Không khó để nhận ra sự tập trung của mạng lưới ngân hàng tại các đô thị lớn là khá dày đặc. Trong khi đó, ở rất nhiều khu vực khác như nông thôn hay vùng sâu, vùng xa, chuyện người dân phải vượt vài chục cây số để đến được với ngân hàng vẫn còn phổ biến.
Theo TS Cấn Văn Lực, cũng khó có thể trách các nhà cho vay vì họ đơn giản là doanh nghiệp, với mục tiêu đầu tiên là phải kinh doanh có lãi. Trong khi đó, “nếu phát triển mạng lưới ‘vật lý’ về các vùng xa xôi, ngân hàng sẽ vấp phải thách thức tất yếu là chi phí cao và lợi nhuận thấp.
Vì vậy, suốt nhiều thập kỷ qua, nhiệm vụ phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng về những khu vực yếu thế gần như được “mặc định” là chuyện của các ngân hàng như Agribank, Ngân hàng Chính sách Xã hội hay Ngân hàng Phát triển.
Tuy nhiên, sau giai đoạn khủng hoảng tài chính vừa qua, thực tế đã cho thấy tỷ lệ nợ khó đòi từ các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thường xuyên ở mức thấp so với nhiều khu vực khách hàng khác. “Phát hiện” tuy muộn màng nhưng đã lập tức khởi động một xu hướng mở rộng mạng lưới khác - lần này là để chiếm lĩnh các thị trường xa xôi.
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần cho biết dù mục tiêu xa là phát triển mạnh mẽ sản phẩm ứng dụng công nghệ số hướng đến khách hàng thế hệ Y&Z (sinh sau năm 1995), nhưng hiện tại, ngân hàng này vẫn cải tiến hệ thống giao dịch/chi nhánh theo hướng ngày càng mở rộng vì đối với khách hàng trung và cao tuổi, chi nhánh vẫn là điểm đến yêu thích, họ vẫn quen với các trải nghiệm dịch vụ truyền thống.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cũng cho rằng chi phí ban đầu về những khu vực kém phát triển là rất lớn, cả về đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng công nghệ lẫn nguồn nhân lực có chuyên môn. Ngoài ra cũng mất thêm một thời gian thì điểm giao dịch mới có doanh thu.
“Khoảng thời gian đó chắc chắn sẽ bị lỗ, cũng phải chấp nhận một vài năm tới, lợi nhuận tổng thể sẽ giảm đi. Nhưng đây là tiền đề để chúng tôi có thể trở thành một trong những ngân hàng có mạng lưới lớn nhất với thế mạnh ở vùng sâu, vùng xa”, vị lãnh đạo ngân hàng nêu tin tưởng về triển vọng khi thực hiện mục tiêu đưa ngân hàng này đến với 100% các huyện, thị trên cả nước chỉ sau 1 năm nữa.
Câu hỏi lúc này là liệu có hiện tượng “bội thực” khi các điểm giao dịch và chi nhánh ngân hàng gia tăng rầm rộ ở những địa bàn trên hay không?
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Bình Dương, mạng lưới ngân hàng không chỉ là điểm mạnh về hạ tầng trong thu hút vốn đầu tư, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thương mại, mà còn đang giúp địa phương này nhanh chóng tiến tới mục tiêu không dùng tiền mặt nhanh hơn nhiều nơi khác. Không chỉ thế, sự xuất hiện của nhiều điểm giao dịch ngân hàng và quỹ tín dụng cũng đã góp phần hạn chế tích cực tín dụng “đen” trên địa bàn.
Trên thực tế, không chỉ giới doanh nghiệp mới có nhu cầu về điểm giao dịch ngân hàng trực tiếp. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhu cầu này vẫn còn rất lớn do có lượng công nhân tập trung khá đông và hiểu biết về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến hay thậm chí là giao dịch trên máy ATM vẫn còn khá hạn chế.
Thực vậy, dịch vụ tài chính-ngân hàng là loại hình sản phẩm đặc biệt, bởi độ phủ sóng của nó tới toàn dân đang được xem là một trong những minh chứng cho sự phát triển toàn diện và bền vững của một nền kinh tế. Hiện tại, tỷ lệ người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ngân hàng mới đạt hơn 40% - là mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực.
Thế nên, dù những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng có mặt nhiều hơn trong các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nhưng để đến được với số đông người dân, đặc biệt là ở những khu vực còn chậm phát triển về trình độ phát triển kinh tế-xã hội, thì sự phát triển mạng lưới các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng “vật lý” vẫn đang là con đường mà các nhà cho vay sẽ còn tiếp tục “quảy gánh” trong tương lai.