Như vậy là Apple đã chính thức công bố kết quả dành cho quý 4/2018. Kết quả kinh doanh không tốt, doanh thu sụt giảm, nhiều nhà phân tích đưa ra nhận định bi quan. Nói cách khác, Apple, cũng giống như toàn bộ ngành sản xuất smartphone, cũng không thể đứng ngoài vòng suy thoái.
Và chỉ hai chữ "suy thoái" đó thôi là đã quá đủ để Phố Wall liên tưởng tới một câu chuyện đau lòng trong quý khứ: Nokia. Trong vòng 1 tuần lễ, liên tiếp cả Goldman Sachs lẫn Forbes đều lên tiếng cho rằng Apple có thể rơi vào số phận của gã khổng lồ Phần Lan, kẻ đã đi từ ngôi vị thống trị đến chỗ biến mất khỏi thị trường chỉ trong 1 thập kỷ ngắn ngủi.
So sánh Apple với Nokia là điều dễ hiểu, bởi cả Apple 2018 và Nokia 2007 đều là những gã khổng lồ di động hùng mạnh, không mấy ai lại nghĩ có thể sụp đổ. Ấy thế nhưng, trước khi so sánh Apple với Nokia, liệu bạn đã hiểu đúng lý do cho cuộc trượt dài của gã khổng lồ xứ Phần Lan?
Mọi thứ bắt đầu khi điện thoại phần lớn chỉ để nghe gọi và smartphone rất khó sử dụng, lại ít tính năng. Năm 2007, khi vén màn iPhone tại Macworld 2007, Steve Jobs khiến cho cả thế giới sững sờ vì tích hợp được cả 3 công dụng quan trọng vào làm 1 – đó vừa là iPod, vừa là điện thoại, vừa là "thiết bị liên lạc Internet". iPhone sử dụng màn hình cảm ứng điện dung cỡ lớn và giao diện dễ sử dụng – cả 2 yếu tố đều không có mặt trên smartphone cùng thời. Ẩn dưới giao diện thân thiện đó lại là kiến trúc phần cứng kiểu-PC, là một hệ điều hành đầy đủ vốn được tùy biến từ Mac OS X.
Cái chết của Nokia sau đó diễn ra từ từ, nhưng tất yếu: bản chất của trải nghiệm "di động" bị thay đổi. Vì iPhone, người dùng từ bỏ không gian hạn hẹp của "dế", từ bỏ giao diện thô kệch, sự phân mảnh và nghèo nàn tính năng của các hệ điều hành như Symbian hay Windows CE. Với tên gọi "modern smartphone", iPhone và những chiếc Android sẽ sớm xóa sổ toàn bộ thị trường di động cũ: thanh kẹo, nắp trượt, vỏ sò, QWERTY, bút stylus... sẽ lần lượt nắm tay nhau đi vào dĩ vãng.
So sánh Apple với Nokia có phần khập khiễng, bởi Apple chưa bao giờ áp đảo cả thị trường như Nokia: thị phần Nokia năm 2007 là 49,4% còn Apple vào quý 3/2018 chỉ chiếm khoảng 12%. Nhưng Apple giống Nokia ở chỗ, cả 2 cùng áp đảo trong cuộc chơi mà họ tham gia. Nokia chọn cách tham gia tất cả các phân khúc giá, còn Apple chỉ chiếm phân khúc cao cấp. Theo số liệu Counterpoint, Apple chiếm tới 47% thị phần smartphone cao cấp (400 USD trở lên), cao gấp đôi Samsung và gấp 4 lần Huawei. Các mức giá cao hơn hoàn toàn do nhà Táo làm chủ khi iPhone chiếm 61% thị trường smartphone trên 600 USD và thậm chí là 79% của khúc giá trên 800 USD.
Tính đến năm 2018, Android đã có 10 năm tuổi đời. Vậy mà, Apple vẫn đang áp đảo thị trường cao cấp. Có thể nói không sai rằng, đánh bại Apple sẽ là điều bất khả thi với các nhà sản xuất smartphone khác.
11 năm trước, Forbes cũng đã nói điều tương tự về Nokia, rằng đánh bại Nokia là điều bất khả thi. Điều nhiều người không nhận ra là, nhận định sai lầm đó vẫn có phần đúng: kẻ đã đẩy Nokia vào chỗ chết không phải là những đối thủ hùng mạnh cùng thời như Sony Ericsson, Motorola hay BlackBerry. Thứ đã khiến Nokia khốn đốn cũng đã khiến cho toàn bộ thị trường di động 2007 khốn đốn: đó là một thiết bị mang bản chất khác hẳn, không giống như smartphone Symbian, cũng chẳng giống như những thanh kẹo (hay chiếc lá) có bàn phím số.
Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa Apple 2018 và Nokia 2007: smartphone chưa bị đẩy lùi theo cách tương tự. Số phận của Apple gắn liền với chiếc modern smartphone theo cái cách số phận của Nokia đã gắn liền với di động tính năng. Chưa có thứ gì thay thế được smartphone cả: một tỷ chiếc smartphone bán ra mỗi năm vẫn là nguồn thu lớn nhất của giới phần cứng; các sự kiện vén màn smartphone vẫn là tâm điểm sự chú ý của người hâm mộ.
Cứ cho rằng một loại thiết bị (form factor) nào đó có thể thay thế được smartphone, Apple cũng chẳng cần phải lo lắng. Hãy nhớ rằng Apple vô địch thế giới về lợi nhuận, và đi cùng với lợi nhuận là khối dự trữ tiền mặt hiện lên tới gần 300 tỷ USD. Cứ cho rằng iPhone bỗng dưng thất bại và Apple lỗ 821 triệu USD mỗi năm (như Nokia trước khi bán mình cho Microsoft), Apple có thể đốt tiền được hơn... 35 năm.
Ở phía còn lại, năm 2007, trên đỉnh cao, Nokia chỉ nắm vỏn vẹn 12,7 tỷ USD dự trữ tiền mặt, tức khoảng 15,4 tỷ USD theo tỷ giá ngày nay. Nokia dùng khoản tiền đó bé nhỏ để duy trì được đến 2014 mới phải nhảy khỏi " con thuyền đang bùng cháy ".
Nhưng quan trọng nhất, từ khi Steve Jobs ra đi, Apple vẫn liên tục tham gia vào các trào lưu mới: smartwatch, "hearable", loa thông minh... Một số trong các sản phẩm này thậm chí còn thành công áp đảo các sản phẩm đối thủ, điển hình là Apple Watch và AirPods. Tuy chưa một loại hình thiết bị nào khác có thể thế chỗ cho iPhone, thành công của Apple trên những thị trường mới lạ này cho thấy 2 triết lý quan trọng của Tim Cook: 1, Apple sẽ không đứng yên tại chỗ và 2, sức mạnh của thương hiệu Táo không chỉ áp dụng cho smartphone.
Bạn không thể nói điều tương tự về Nokia. Quá thành công, Nokia đã tạo ra một bộ máy lãnh đạo quan liêu và coi thường đối thủ, không chỉ ngạo mạn cười chê đối thủ mà còn tự triệt tiêu các sáng tạo của chính mình (MeeGo). Đến cuối đời, Nokia vẫn không có chỗ đứng trên bất kỳ thị trường nào ngoài di động.
Thứ quý giá nhất Nokia để lại cho cả thế giới công nghệ là một bài học đáng giá: đừng bao giờ đứng yên, ngay cả khi đang ở trên đỉnh cao.
Bài học đó đang được tất cả các ông lớn khắc cốt ghi tâm. Microsoft đã dám hạ thấp Windows để theo đuổi đám mây, Facebook từ khi thấy đối thủ nhen nhóm là thâu tóm luôn, Google thì liên tục theo đuổi AI, liên tục chịu lỗ để đi tìm hướng đi ngoài công nghệ... Apple cũng không phải là ngoại lệ: không chỉ ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới, Apple cũng phát triển AI, cũng ra mắt ngôn ngữ lập trình riêng, cũng phát triển dịch vụ...
Không ai có thể nói rằng Apple sẽ sống mãi. Nhưng chí ít là Apple đang không mắc cùng một sai lầm của Nokia.