Ngày 22/11 tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) của hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025.
Ông Hoàng Vũ Quang - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - thông tin, ĐBSCL chịu ảnh hưởng đồng thời của BĐKH, thời tiết cực đoan; nước biển dâng, xâm nhập mặn ; sự phát triển của các công trình thủy điện ở thượng nguồn; tình trạng sạt lở, sụt lún gia tăng; hoạt động kiểm soát lũ, thực hành sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững. Những tác động này gây ra hệ quả làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất và sản lượng cây trồng vật nuôi, giảm diện tích đất nông nghiệp, gây thiệt hại kinh tế. Trong khi sự hiểu biết về BĐKH của HTX còn hạn chế; quy mô HTX nhỏ...
ĐBSCL có trên 2,4 triệu ha đất nông nghiệp.
PGS.TS Lê Anh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ - cho biết, ĐBSCL có trên 2,4 triệu ha đất nông nghiệp, trên tổng số 4 triệu ha đất tự nhiên. Đất nông nghiệp chủ yếu là sử dụng cho sản xuất lúa (trên 2 triệu ha, chiếm 85% diện tích đất nông nghiệp), còn lại là sử dụng cho nuôi trồng thủy sản (700.000ha), hoa màu ngắn ngày (150.000ha) và cây ăn trái (gần 300.000ha).
Tuy nhiên, việc sản xuất nông sản thô ra thị trường, khó có thể làm nông dân khá lên được, thậm chí vẫn luẩn quẩn trong nghèo đói do những tác nhân bất lợi như BĐKH, thay đổi nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong và cạnh tranh cao trong thị trường nông nghiệp quốc tế.
Việt Nam được đánh giá là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực quan trọng của thế giới nhưng giá trị nông sản tạo ra trên mỗi đầu người nông dân rất thấp, thấp hơn các nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar…
Mức đóng góp của ĐBSCL trong tỷ lệ GDP của cả nước ngày càng đi xuống. Nông dân ĐBSCL đang nghèo dần do tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, sinh vật) cạn kiệt; ô nhiễm môi trường (nước, đất, rác thải) gia tăng; thu nhập nông dân ngày càng ít và đối mặt nhiều rủi ro; chính sách an sinh xã hội cho nhóm nông dân bị thu hẹp.
Theo ông Tuấn, cần phải đa dạng hóa giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân và giữ chân người nông dân với nông thôn. Theo đó, phải tận dụng phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp; biến chất thải thành tiền cho nông dân; tạo việc làm mới trong nông thôn…
“Rơm rạ là một món hàng chứ không còn là phụ phẩm nữa. Nông dân vác rơm có thể kiếm 500.000-600.000 đồng/ngày. Đã có nhiều chợ rơm, lái rơm và công đoàn bốc xếp rơm. Đã có những mô hình đang phát triển ở ĐBSCL” – ông Tuấn nói.
Theo ông Lê Anh Tuấn, rơm rạ không nên đốt hay vùi xuống đất, thay vào đó là nhiều lợi ích khác.
Đề án nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH của HTXNN vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 19/7/2022.
Mục tiêu đến năm 2025, có 100% HTXNN vùng ĐBSCL được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về BĐKH và biện pháp thích ứng với BĐKH trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông lâm thủy sản và diêm nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, đề án này là một trong những nội dung của Nghị quyết 120 về phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, đồng thời là sự mong đợi của các HTXNN để thích ứng với BĐKH. Đề án có 2 nội dung cơ bản là nâng cao năng lực của HTX để thích ứng và chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng.
"Đối với cây lúa, hiện nay không còn cái gì mà không tạo ra giá trị. “Như với rơm, sản xuất 1ha lúa thì bán trung bình được 3-5 triệu đồng tiền rơm. Về trấu, tôi khảo sát một nhà máy xay xát 300 tấn lúa/ngày tạo ra 60 tấn trấu, ép thành củi bán được 60-80 triệu đồng. Khoảng 1,5 triệu tấn trấu và 215 triệu tấn rơm ở ĐBSCL sẽ là nguồn tiền rất lớn, hiện nay đang có xu hướng phát triển điện sinh khối với chủ yếu rơm và trấu, như vậy đây là tiềm năng mở ra cho chúng ta” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.