"Đại bàng đã làm tổ" ở Việt Nam
Trên cổng thông tin về hồ sơ doanh nghiệp của Hải Phòng, Công ty TNHH Pegatron Việt Nam đã được Sở kế hoạch và đầu tư Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 17/03/2020. Đại diện pháp luật của công ty là Chen, Hsin-Cheng. Địa chỉ đặt công ty ở lô đất CN3A, Khu Công Nghiệp DEEP C 2A, thuộc Khu Kinh Tế Đình Vũ-Cát Hải, Phường Đông Hải 2, Quận Hải An, Hải Phòng.
Công ty TNHH Pegatron Việt Nam tại Khu Công Nghiệp DEEP C 2A, thuộc Khu Kinh Tế Đình Vũ-Cát Hải, Phường Đông Hải 2, Quận Hải An, Hải Phòng.
Theo đó, bước đầu Pegatron sẽ thực hiện dự án đầu tư tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng, Việt Nam), với nguồn vốn 19 triệu USD. Dự án này hiện đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.
Hiện tại, Pegatron cũng đang bắt đầu làm thủ tục đầu tư cho dự án thứ hai, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD. Và trong giai đoạn 2026 – 2027, sẽ tiếp tục triển khai dự án thứ ba với tổng vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD.
Đặc biệt, ngoài ba dự án sản xuất linh kiện và các sản phẩm điện tử, Pegatron cũng đang có ý định chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) từ Trung Quốc về Việt Nam vào một thời điểm thích hợp.
Có thể thấy, không chỉ đơn thuần là đầu tư nhà máy sản xuất, Pegatron đang có những bước đi tương tự như những gì tập đoàn Samsung đã đầu tư ở Việt Nam.
Được biết, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo ra khoảng 22.500 việc làm cho Hải Phòng và đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm.
Vì sao Pegatron tìm đến Việt Nam?
Theo nhiều chuyên gia quan sát, trên thực tế Pegatron đã "rục rịch" lên kế hoạch dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc từ cuối năm 2019.
Có nhiều lý do khiến tập đoàn này muốn tháo chạy khỏi Trung Quốc, thứ nhất để tránh sự ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung, thứ hai là tránh nguy cơ mất hàng tỷ USD doanh thu trong vụ kiện bằng sáng chế với Qualcomm (Foxconn, Compal, Pegatron và Wistron cùng với Qualcomm đã từng đưa nhau ra tòa án Liên Bang ở San Diego, Mỹ trong vụ kiện vi phạm bản quyền lên đến 1 tỷ USD).
Trước đó, vào tháng 5 năm 2019, Pegatron cũng đã lên kế hoạch đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy ở Indonesia để sản xuất các thiết bị gia đình thông minh.
Kể từ đó tới nay, rất nhiều thông tin liên quan đến việc Pegatron đầu tư các nhà máy mới ở Indonesia, ở Ấn Độ, với quy mô cũng lên tới cả tỷ USD. Và tất nhiên, tất cả các kế hoạch này đều gắn liền với các sản phẩm iPhone của Apple. Pegatron hiện đang là nhà cung cấp lên tới 30% linh kiện cho Apple.
Thời điểm này, sau khi Apple gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam bằng cách tăng cường đặt hàng các nhà cung ứng sản xuất thiết bị "made in Vietnam" hoặc kêu gọi các nhà cung ứng đến Việt Nam mở nhà máy, các gã khổng lồ công nghệ khác cũng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư sản xuất.
Quay lại thời điểm đầu năm 2006, Intel đã công bố dự án đầu tư 300 triệu USD để xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao TP HCM. Đến tháng 11/2006, Intel Products Vietnam chính thức công bố tăng quy mô nhà máy từ 14.000 m2 lên 46.000 m2, đồng thời nâng tổng mức đầu tư lên 1 tỷ USD.
Một góc nhà máy Intel trong khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Lê Hùng.
Sau đó là một loạt các "ông lớn" như LG, Samsung, Kyocera, Foxconn …cũng đã đầu tư mạnh tay vào Việt Nam, biến nơi này thành một điểm đến tiềm năng cho các nhà sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới.
Foxconn bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, với các dự án quy mô nhỏ tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Mãi đến năm 2019, tập đoàn này đã mở rộng đầu tư tại Quảng Ninh và quyết định đầu tư quy mô lớn tại Bắc Giang.
Luxshare – một trong số những nhà cung ứng của Apple cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất AirPods tại Việt Nam vào năm 2019, chỉ cách nhà máy Foxconn khoảng 15 phút lái xe. Ngoài ra, Luxshare còn mở công ty liên doanh với Merry Electronics để sản xuất linh kiện âm thanh tại miền Trung Việt Nam.
Luxshare – một trong số những nhà cung ứng của Apple cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất AirPods tại Việt Nam vào năm 2019.
Có thể nói, thời điểm này, khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung đang ngày càng căng thẳng và chưa có hồi kết. Nhiều công ty công nghệ đầu tư lâu dài ở Trung Quốc đang phải lên phương án để tránh bị áp thuế quá cao khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Ngoài ra, chi phí nhân công tại Trung Quốc cũng ngày càng tăng cao, một trong những lợi thế của nước này cũng đang bị mất dần.
Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng, chuỗi cung ứng toàn bị đứt gãy. Các quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ hay Nhật Bản, Đài Loan đang cảm nhận được quá nhiều sự bất tiện khi lệ thuộc vào chính quyền Bắc Kinh. Một số liệu cho thấy, có khoảng 40% sản phẩm trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc. Điều này càng khiến các nước phải đẩy mạnh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh trở thành "con tin" của Trung Quốc.
Lợi thế của Việt Nam
Nhiều chuyên gia nhận định, hiện đang có một làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Và Việt Nam được coi là một điểm đến tiềm năng khi nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực, một cửa ngõ quan trọng nối liền với các nước ASEAN và thế giới bằng hệ thống đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang có một nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và chất lượng cao. Với bản chất cần cù, thông minh và sáng tạo, thế hệ trẻ Việt Nam đang là nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển dất nước. Đó cũng là yếu tố cơ bản để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm và tin tưởng khi đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam hiện đang có một nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và chất lượng cao.
Một lý do khác có thể khiến Pegatron ưu tiên lựa chọn Việt Nam bởi sự cởi mở của nền kinh tế Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đang tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với nhiều quốc gia và khu vực. Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN, CPTPP...
Với tất cả những điều trên, việc Pegatron tìm đến và "làm tổ" tại Việt Nam có thể là những hệ quả tất yếu của sự tích lũy lâu dài trong định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam.
Và trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.