Theo Bộ GTVT, căn cứ vào khoảng cách di chuyển và lợi thế về chi phí vận chuyển thì phần lớn lượng hàng hóa từ 8 địa phương (Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) có thể được đưa về cảng biển Trần Đề. Dự báo, sẽ đạt từ 25,6-33,6 triệu tấn đến năm 2030.
Đại diện Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình giao thông Hàng Hải (CMB; đơn vị tư vấn) thì cho hay, đến năm 2030, tổng lượng hàng hóa được vận chuyển lên nhóm cảng biển số 4 (TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An) cũng như xuất khẩu trực tiếp qua các cảng ở ĐBSCL (nhóm cảng biển số 5; gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang) đạt khoảng 42 triệu tấn.
Trong đó, 35 triệu tấn vận chuyển lên nhóm cảng biển số 4 và 7 triệu tấn xuất khẩu trực tiếp qua nhóm cảng biển số 5. Khi có cảng biển Trần Đề, dự báo lượng hàng hóa về đây sẽ đạt từ 24,6-32,5 triệu tấn vào năm 2030 (lượng hàng hóa ưu tiên về cảng biển Trần Đề hơn là phải vận chuyển lên nhóm cảng biển số 4 như hiện nay).
Căn cứ vào dự báo hàng hóa về cảng biển Trần Đề như nêu trên, ông Phạm Trung Kiên - Chủ tịch HĐQT CMB cho biết, giai đoạn khởi động (2024-2028), quy mô đầu tư của cảng gồm có một khu bến ngoài khơi khoảng 81,6 ha, cầu vượt biển dài 17,8 km với 2 làn xe, hạng mục khu vực bến cảng khoảng 77,5 ha có khả năng tiếp nhận tàu 100.000 tấn.
Ngoài ra, còn có luồng hàng hải có chiều dài 4,4 km phục vụ cho tàu quay đầu và hai bến phao phục vụ cho tàu hàng rời lên đến 160.000 tấn.
Đối với khu dịch vụ hậu cần logistics trong bờ, sẽ quy hoạch hơn 4.000 ha. Trong đó, giai đoạn khởi động đầu tư quy mô khoảng 1.000 ha, làm đường sau cảng dài 6,3 km, kết nối vào cao tốc Châu Đốc (An Giang)- Cần Thơ- Trần Đề (Sóc Trăng).
Cảng biển Trần Đề được phân kỳ chia làm 6 giai đoạn đầu tư, bao gồm giai đoạn khởi động (2024-2028), giai đoạn 1 (2029-2030), giai đoạn 2 (2031-2035), giai đoạn 3 (2036-2040), giai đoạn 4 (2041-2045) và giai đoạn hoàn thiện (2046-2050).
Tổng mức đầu tư của cảng biển Trần Đề dự kiến là 162.700 tỉ đồng, trong đó, giai đoạn khởi động khoảng 44.696 tỉ đồng.
Tại cuộc họp, các đơn vị có liên quan yêu cầu cần nghiên cứu thêm, thật kỹ và thận trọng lượng hàng về cảng biển Trần Đề. Bởi vấn đề này là cơ sở quan trọng để quyết định về quy mô đầu tư ở giai đoạn khởi động cho hợp lý.
Ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ GTVT kiến nghị: "Phải tính toán kỹ về lượng hàng về cảng biển Trần Đề mới được. Đây là cơ sở để đưa ra quyết định về quy mô đầu tư. Nếu không tính được lượng hàng sẽ không ra được nhu cầu đầu tư xây dựng".
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng thống nhất với các đại biểu là chuyển "Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng" thành "Đề án nghiên cứu toàn diện, tổng thể về đầu tư xây dựng, khai thác khu bến cảng Trần Đề vùng ĐBSCL". Việc làm này nhằm tạo thuận lợi cho triển khai cảng biển Trần Đề, sau khi đề án được phê duyệt.
Còn ông Nguyễn Đình Việt - Phó cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ việc Campuchia đầu tư kênh đào Phù Nam Techo ảnh hưởng như thế nào đến lượng hàng dự kiến từ vương quốc này đến cảng biển Trần Đề.
"Chúng ta phải tính toán lại lượng hàng từ Campuchia qua cảng Trần Đề. Nhiều khả năng trong tương lai, lượng hàng này không còn nữa khi Campuchia đầu tư kênh đào Phù Nam Techo" - ông Việt nói.