Tạp chí Forbes mới đây vừa công bố bảng xếp hạng tỷ phú lần thứ 36, trong đó, Mỹ là quê hương của hầu hết các “ông trùm’’ giàu lên nhờ công nghệ.
Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla và công ty vũ trụ SpaceX hiện là người đứng đầu danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới với tổng giá trị tài sản đạt 265 tỷ USD, tính đến thời điểm hiện tại. Ngôi vương trong top 10 tỷ phú công nghệ trong suốt nhiều năm nay vẫn luôn được người đàn ông lập dị này giữ vững.
Đứng thứ hai danh sách là nhà sáng lập công ty công nghệ khổng lồ Amazon, ông Jeff Bezos. Hiện tại, giá trị tài sản của Bezos đã đạt 183 tỷ USD, qua đó giúp ông trở thành người giàu thứ hai trong danh sách các tỷ phú công nghệ và cũng là người giàu thứ hai thế giới.
Top 10 tỷ phú công nghệ còn có sự góp mặt của Bill Gates - nhà đồng sáng lập Microsoft, Larry Page - nhà đồng sáng lập Alphabet và Larry Ellison - Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ Tập đoàn phần mềm khổng lồ Oracle.
Có thể thấy các tỷ phú người Mỹ chiếm phần đông (9/10) trong top 10 những “ông trùm” công nghệ giàu nhất thế giới. Ông Ma Huateng, Chủ tịch tập đoàn Internet khổng lồ Tencent Holdings, là người Trung Quốc duy nhất có mặt trong danh sách 10 tỷ phú công nghệ được Forbes công bố.
Tỷ phú Lý Gia Thành
Tuy nhiên, nếu nhìn sang danh sách top 10 tỷ phú giàu lên nhờ bất động sản, nước Mỹ dường như bị thất thế.
Theo Bloomberg Billionaires Index, tỷ phú bất động sản giàu nhất thế giới hiện là ông Lý Gia Thành, một trong những doanh nhân người Hong Kong (Trung Quốc) có tầm ảnh hưởng nhất nhì châu Á đang nắm trong tay khối tài sản trị giá 31 tỷ USD. Dù đã chính thức rời chiếc ghế chủ tịch CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings hồi tháng 5/2018, tỷ phú họ Lý vẫn đảm nhiệm vai trò cố vấn cấp cao và cho đến nay vẫn không đánh mất vị thế của một trong những doanh nhân được tôn sùng bậc nhất.
Đứng thứ hai danh sách các tỷ phú bất động sản giàu nhất thế giới là Lý Triệu Cơ, người được mệnh danh là "Warren Buffett của Hong Kong". Ông là nhà sáng lập Tập đoàn đầu tư và phát triển nhà đất Henderson, nổi tiếng hào phóng và đã quyên góp hàng triệu USD cho lĩnh vực giáo dục trong nhiều năm.
Dương Huệ Nghiên, cổ đông lớn của công ty bất động sản Country Garden cũng lọt top những tỷ phú trẻ và giàu nhất châu Á. Bà hiện đứng thứ 4 trong top 10 các tỷ phú bất động sản giàu nhất thế giới, sau ông Dan Gilbert, một doanh nhân kiêm nhà từ thiện lớn người Mỹ.
Theo Bloomberg Billionaires Index, 6/10 tỷ phú bất động sản giàu nhất thế giới đều đến từ Trung Quốc hoặc Hong Kong (Trung Quốc) - nơi có giá nhà đất đắt đỏ bậc nhất thế giới. Châu Á dường như trở thành “cái nôi” của ngành công nghiệp bất động sản vốn đang không ngừng nở rộ.
Lý giải cho sự “say mê” của giới kinh doanh châu Á dành cho bất động sản, Chris Yeh, một học giả Harvard cho rằng đầu tư bất động sản đòi hỏi vốn, sự kiên nhẫn và tính căn cơ - điều được cho là rất phù hợp với quan niệm của nhiều nền văn hóa châu Á.
Hồi năm 2016, báo cáo được tổ chức nghiên cứu Knight Frank công bố về đầu tư bất động sản toàn cầu cho thấy số lượng người siêu giàu tại châu Á đã tăng rất nhanh, trong đó, kênh đầu tư được đặc biệt ưa chuộng là bất động sản.
Báo cáo này được Knight Frank xây dựng dựa trên cơ sở khảo sát những cá nhân siêu giàu (UHNWI), với tài sản ròng tối thiểu 30 triệu USD. Ngoài ra, dữ liệu của hơn 900 ngân hàng tư nhân và cố vấn quản lý tài sản hàng đầu thế giới cũng được sử dụng để phân tích khảo sát.
"Bất động sản được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh tại châu Á trong tương lai, do địa ốc tiếp tục là kênh tài sản được ưa chuộng của cả giới siêu giàu lẫn tầng lớp trung lưu”, Knight Frank nhận định.
Trung bình một hộ gia đình tại Hong Kong sẽ phải thắt lưng buộc bụng ròng rã 20,7 năm mới đủ tiền mua nhà vì giá quá cao
Bằng chứng là Hong Kong (Trung Quốc) nhiều năm trở lại đây vẫn luôn có sốt đất - thứ có thể khiến những căn hộ 'tí hon' vỏn vẹn 17m2 cũng được “thổi giá” lên tới gần 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo Nghiên cứu Khả năng Chi trả Nhà ở Quốc tế thường niên của Demographia năm 2021, trung bình một hộ gia đình tại Hong Kong sẽ phải thắt lưng buộc bụng ròng rã 20,7 năm mới đủ tiền mua nhà vì giá quá cao. Cushman & Wakefield thậm chí còn ước tính giá trị các căn hộ sẽ tiếp tục tăng thêm 5% trong giai đoạn nửa cuối năm.
Theo báo cáo Asia Pacific Tracker 2021 của JLL, trong năm ngoái, thị trường bất động sản thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã hút được dòng vốn mạnh mẽ dù đây là thời điểm nhiều biến chủng mới xuất hiện.
Cụ thể, khu vực này đã thu hút 177 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào bất động sản văn phòng, bán lẻ, logistics, trung tâm dữ liệu..., tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường chứng kiến đà tăng trưởng mạnh có thể kể đến như Australia, Trung Quốc và Nhật Bản.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trong khi đó, nước Mỹ lại không có khái niệm "của để dành" - lối sống của đại đa số người dân Châu Á. Thay vì mua nhà, họ chỉ bỏ tiền đi thuê để né tránh thuế. Đó là lý do vì sao nhiều khu bất động sản chỉ được bán với giá 1 USD bởi chủ cũ nợ quá nhiều tiền thuế và người mua mới phải thanh toán khoản nợ này mới được sở hữu.
Suy nghĩ của các tỷ phú bất động sản ở Mỹ vì thế mà rất khác biệt, bởi với họ, việc đầu tư không chỉ đơn thuần là tậu khu đất trống rồi để đó đầu cơ mua đi bán lại. Thay vì chia lô bán nền, những vị tỷ phú này phát triển chúng thành dự án và định hướng gây dựng lâu dài, thậm chí coi đây như những khoản đóng góp lớn lao cho địa phương.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là ví dụ điển hình cho quan điểm đầu tư này của đa số doanh nhân Mỹ. Ông cho rằng việc đầu cơ mua đi bán lại trên thị trường bất động sản khá nguy hiểm và sẽ chẳng thể giàu có chỉ sau 1 đêm. Vì vậy, thay vì mạo hiểm, vị tỷ phú này khuyên mọi người chỉ nên mua, giữ đất và chờ cơ hội trong dài hạn.
Theo: Bloomberg, Forbes