CTCP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) vừa ký hợp đồng vay tín chấp với nhóm định chế tài chính nước ngoài đứng đầu là Ngân hàng SinoPac (Đài Loan) giá trị 55 triệu USD, tương đương hơn 1.270 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên một công ty chứng khoán Việt Nam được cấp tín dụng dưới hình thức này.
Tín chấp là hình thức cho vay không cần tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào uy tín về năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Do đó, ngân hàng và các tổ chức, đặc biệt là khối ngoại, trước khi cho vay sẽ có quá trình kiểm duyệt và đánh giá kỹ lưỡng đơn vị đi vay.
Đơn cử với Quỹ Bảo lãnh Tín dụng Đầu tư (CGIF, thuộc ADB), để có thể bảo lãnh đối với các khoản phát hành trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam, họ thường chọn tiêu chí khách hàng là công ty, tập đoàn đứng đầu ngành nghề kinh doanh trong nước.
Tương tự với SinoPac, nhà băng này thường tiến hành đánh giá qua nhiều bước, thủ tục pháp lý. Tiêu chí quan trọng nhất phải là doanh nghiệp lớn và có tiềm lực tài chính lành mạnh. Do đó, việc lựa chọn CTCK đứng thứ 2 Đông Nam Á về xếp hạng các tiêu chí như SSI mới nằm trong danh sách ưu tiên của ngân hàng.
Với vốn điều lệ hơn 5.100 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 23.825 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 38% tổng nguồn vốn, tương đương hơn 9.155 tỷ đồng. Năm 2018, nhà môi giới chứng khoán này đứng đầu thị phần 2 sàn niêm yết ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 3.997 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước, cao hơn 17% chỉ tiêu, trong khi lãi ròng tăng 12%, đạt 1.305 tỷ đồng.
Lợi nhuận ròng của SSI 4 năm gần nhất (Đvt: tỷ đồng)
Trong cơ cấu nguồn vốn, nhiều ngân hàng trong và ngoài nước như BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, Techcombank, Shinhan Bank, Woori Bank, Indovina Bank, May Bank Vietnam… đang cấp tín dụng cho SSI với tổng hạn mức ký kết hơn 19.000 tỷ đồng gồm hơn 3.728 tỷ đồng vay thấu chi (hình thức ngân hàng cho khách hàng chi vượt số dư tiền trên tài khoản).
Trong bối cảnh đó, khoản vay tín chấp 55 triệu USD với SinoPac có thể xem là một cách đa dạng hóa nguồn vốn vay của doanh nghiệp nhằm tận dụng mức lãi vay cạnh tranh, bên cạnh hình thức huy động truyền thống thông qua trái phiếu thường và trái phiếu chuyển đổi
Trước khi SinoPac ký hợp đồng cho vay tín chấp, chi nhánh Hong Kong của nhà băng này đang cấp tín dụng trị giá hơn 6 triệu USD cho SSI. Bên cạnh đó, SSI và SinoPac Việt Nam cũng có quan hệ kinh doanh trong vòng 2 năm, thông qua nhiều nghiệp vụ như tiền gửi, hạn mức vay, tài khoản thanh toán... Đây là tiền đề để hai bên mở rộng hợp tác, thông qua việc SinoPac Việt Nam làm đầu mối thu xếp giao dịch cấp hạn mức mới cho SSI trên thị trường quốc tế.
Theo thông tin từ các bên liên quan, 55 triệu USD là khoản vay tín chấp lớn nhất mà một doanh nghiệp Việt Nam nhận được từ tổ chức nước ngoài cho tới nay. Con số này được quyết định dựa trên kế hoạch sử dụng sau giải ngân của SSI và mức chi phí vay, nhằm tối ưu hóa hiệu quả nguồn vốn với sự nhất trí từ phía SinoPac sau khi đánh giá năng lực.
Số vốn chủ yếu sẽ được dùng cho đầu tư ngắn hạn có tính an toàn cao. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ đánh giá thời điểm hợp lý có thể giải ngân vào các hoạt động tự doanh hoặc cho vay ký quỹ (margin).
Thời gian tới, SSI cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ với các định chế tài chính nước ngoài trong lĩnh vực nguồn vốn nhằm tối ưu hoá vốn vay và cân bằng các hạn mức tín dụng nội địa trong bối cảnh chính sách về tín dụng đối với ngành kinh doanh chứng khoán vài năm gần đây tương đối chặt chẽ.