Sáng 14/8, nhiều sinh viên đã chia sẻ về ý tưởng và mong muốn khởi nghiệp tại Hội thảo "Đầu tư cho Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo" tổ chức tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Thiếu vốn là một vấn đề chung được nêu lên.
Hoạt động thu hút vốn đầu tư của startup đã được ghi nhận
"Tôi thấy thị trường đang cần những robot có thể thay thế con người trong một số công việc. Tôi học cơ điện tử và có thể làm được những robot. Tuy ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp nhưng tôi còn thiếu vốn" - Ngô Thanh Tùng, sinh viên kỹ sư tài năng cơ điện tử K60 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.
Thực tế, thiếu vốn luôn là một vấn đề lớn đối với các nhóm startup. Tỷ lệ startup thành công quá nhỏ khiến số lượng nhà đầu tư tham gia tài trợ cho các dự án khởi nghiệp không nhiều.
"Mọi người thường lấy ví dụ rằng, 10 doanh nghiệp sẽ có 9 doanh nghiệp sẽ chết, và cũng chẳng ai đoán được doanh nghiệp nào thành công. Chính vì vậy, những người đầu tư cho khởi nghiệp phải là người rất hiểu. Có tiền và hiểu thì họ mới đầu tư được. Riêng giai đoạn đầu tư ban đầu – ươm mầm - đã tiêu tốn 5.000-10.000 USD. Nếu chỉ đầu tư cho 1 doanh nghiệp thì khả năng mất là cao, nên thường sẽ phải dùng tiền để đầu tư cho 10-20 doanh nghiệp cùng lúc" - bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (NATEC - Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận xét.
Hiểu những suy nghĩ của nhà đầu tư và startup, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, hình thức quỹ đầu tư cho khởi nghiệp đầu tư sáng tạo đã được Nhà nước ghi nhận. Đi kèm với đó là các chính sách ưu đãi thuế, đối ứng vốn đầu tư.
Bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (NATEC - Bộ Khoa học và Công nghệ).
"Tôi nghĩ doanh nghiệp khởi nghiệp nhận vốn tỷ USD thì rất khó có ở Việt Nam. Nhưng với những chính sách mới, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là việc được khuyến khích. Trong khoảng 2-3 năm nữa, chính sách hỗ trợ mới hoàn thiện" – bà Phan Hoàng Lan khẳng định.
Vấn đề nằm ở doanh nghiệp
PGS. TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (INBUS) cho rằng, những phát biểu liên quan đến việc thiếu vốn đang cho thấy doanh nghiệp không nhận được lợi ích từ chính sách. Tuy nhiên, vấn đề đang nằm ở phía các bạn startup thay vì chính sách của Nhà nước.
"Hiện nay, tất cả những gì Chính phủ đang làm là tạo ra sân chơi theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng người làm sân chơi cứ xây ra như vậy, còn ai là người chơi ở trên đó? Thực tế là người chơi lại không chơi theo luật. Doanh nghiệp khởi nghiệp khi tham gia vào thị trường không biết luật chơi quốc tế, cho nên xỏ giầy không hợp, nhìn thấy sân mà ngợp không dám vào hoặc đứng ngó sân chứ không dám vào " – ông Nguyễn Mạnh Quân nói.
Việc startup nói lên ý tưởng về ứng dụng (app), phần mềm (sofware),… cho thấy rằng doanh nghiệp đang bắt đầu câu chuyện kinh doanh từ khả năng của bản thân thay vì nhu cầu thị trường. Tham gia nhiều dự án hỗ trợ khởi nghiệp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, chỉ có 2 điều các bạn trẻ cần thể hiện: Một là, ý chí khởi nghiệp, Hai là, lĩnh vực startup quan tâm. Những vấn đề khác như giải quyết nhu cầu thị trường bằng công nghệ gì, hỗ trợ của chuyên gia, cấp vốn,… đều có thể thực hiện sau khi startup thể hiện được 2 yếu tố trên.
"Từ nhu cầu thị trường mới bắt đầu triển khai giải giải pháp thay vì trình bày về khả năng. Nhiều em tham gia vào nền kinh tế thị trường nhưng chẳng biết luật chơi gì cả. Tôi chỉ thấy rằng Chính phủ đã nỗ lực áp dụng tiêu chuẩn của toàn cầu hóa. Nhưng có thể nó vượt quá khả năng của người tham gia. Luật càng cao, người chơi càng cảm thấy xa vời, tạo ra khoảng cách về sự phát triển" - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp.