Do ảnh hưởng của dịch COVID-19!
Ngày 6/9, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành, Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ký quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến 9 dự án “đất vàng” tại tỉnh Bình Thuận.
Quyết định nêu rõ, Bộ Công an đang tiến hành giải quyết nguồn tin về tội phạm “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và phê duyệt giá đất tại 9 dự án đất đai, đầu tư phát triển nhà thương mại, xảy ra tại UBND tỉnh Bình Thuận và các đơn vị có liên quan.
Các dự án gồm: dự án Khu du lịch Hòn Lan, dự án Sân golf Phan Thiết (sau thành dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết -PV), dự án lấn biển và sắp xếp lại dân cư phường Đức Long (Hamubay), dự án Biển Quê Hương, dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn, dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (lô đất số 18, 19 và 20), dự án rừng dầu Hồng Liêm, dự án Bồng lai tiên cảnh và du lịch sinh thái Xuân Quỳnh, dự án Khu liên hợp Hồ điều hòa phường Hưng Long.
Cơ quan CSĐT đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận và các tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu liên quan đến các dự án nêu trên. Tuy nhiên, do thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã hết và do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cả TP.Hà Nội và Bình Thuận đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, điều này ảnh hưởng đến thời hạn xác minh và các cơ quan tổ chức, cá nhân chưa cung cấp đầy đủ các tài liệu có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Trao đổi với phóng viên, một số cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và Sở TN&MT tỉnh này bày tỏ bức xúc, cho rằng giá đất mà UBND tỉnh áp để thu của Công ty CP Rạng Đông tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Tại thời điểm năm 2015, chủ đầu tư dự án này chỉ phải nộp khoảng 2,5 triệu đồng/m2, trong khi giá đất thực tế tại các tuyến đường nằm quanh dự án có giá từ 10 triệu đồng/m2 đến 24 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã trưng cầu giám định viên Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên Môi trường về việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch và xây dựng của UBND tỉnh Bình Thuận, các sở ban ngành có liên quan và xác định hậu quả thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Do vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với 9 dự án nêu trên và sẽ tiến hành phục hồi việc giải quyết khi có kết luận giám định.
Giao đất vàng không qua đấu giá
Theo tìm hiểu của phóng viên, đối với một số dự án nằm trong danh sách Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị cung cấp hồ sơ, dư luận cũng từng đặt vấn đề vì sao không tổ chức đấu giá, bởi đây đều là những dự án có vị trí đắc địa ở ven biển hoặc nằm tại trung tâm TP Phan Thiết. Tuy nhiên, phía tỉnh Bình Thuận đều bác bỏ và nói rằng đã làm đúng quy định.
Điển hình, dự án đất ở thương mại có diện tích 92.600 m2, gồm các lô đất số 18, 19, 20 phường Phú Hài đã về tay Công ty CP Tân Việt Phát (còn gọi là dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 ) bằng hình thức giao đất. Giải thích cho việc này, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, khu vực này là nghĩa địa tập trung, còn nhiều hố sâu, bia mộ do việc di dời mồ mả để lại làm mất mỹ quan nên không có nhà đầu tư tham gia đấu giá, dù đã thông báo bán đấu giá 6 lần. Vì vậy, UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất đối với 3 lô đất trên cho Công ty CP Tân Việt Phát là “đúng pháp luật”.
Còn tại dự án lấn biển và sắp xếp lại dân cư phường Đức Long (Hamubay) do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư có diện tích gần 123ha, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, gần 27ha dự án hiện trạng chỉ là mặt nước ven biển, không có đất nên không đưa ra đấu giá; riêng phần diện tích gần 96ha đất còn lại phải thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời mồ mả, không có đất sạch nên cũng không đủ điều kiện để đấu giá.