Tàu du lịch 5 sao World Dream (Hong Kong) cập bến tàu hàng Tân Cảng Cái Mép(Bà Rịa - Vũng Tàu) cuối tháng 12/2017 - Ảnh: V Caravan
Tàu khách “mất phần” do lịch trình thiếu ổn định |
Chia sẻ với Báo Giao thông về những khó khăn hiện tại trong việc tiếp nhận tàu khách cập cảng, đại diện Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu xác nhận, từ năm 2017 đến nay đã xảy ra tình trạng một số tàu khách quốc tế phải hủy bỏ kế hoạch vào cảng biển Vũng Tàu và thay đổi địa điểm tham quan du lịch từ khu vực phía Nam sang các tỉnh miền Trung như: Huế, Đà Nẵng,... Nguyên nhân do doanh nghiệp (DN) lữ hành và đại lý hàng hải tàu không thể bố trí/hợp đồng được với bến cảng cho tàu neo đậu.
Trong văn bản gửi Cục Hàng hải VN, ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, phía cảng vụ cùng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các tàu khách. Thực tế, trong năm 2017 địa phương này đã tiếp nhận 136 lượt tàu khách quốc tế với hơn 276.000 lượt hành khách qua cảng. Riêng 7 tháng đầu năm nay, khu vực cảng Vũng Tàu đã tiếp nhận 88 lượt tàu khách quốc tế với gần 162.000 lượt hành khách.
Tại buổi tọa đàm về du lịch diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mới đây, nhiều DN du lịch bày tỏ bức xúc khi tàu du lịch đang rơi vào tình cảnh “có tàu nhưng không có cảng”. Trong đó, trung tuần tháng 6 vừa qua, một tàu khách chở theo 4.800 người đã không thể cập cảng Phú Mỹ (Vũng Tàu). Theo dự báo, trong tháng 9, tháng 10 tới đây, các tàu quốc tế với 7.500 khách dự kiến đến TP Hồ Chí Minh cũng nơm nớp lo lênh đênh giữa biển vì không có cảng để cập bến.
“Tuy nhiên, tại cảng Vũng Tàu, duy chỉ các bến cảng trên sông Thị Vải - Cái Mép có khả năng tiếp nhận tàu khách quốc tế nhưng hầu hết các cảng đã khai thác hết công suất”, ông Thức nói và cho biết, thông thường, các DN cảng đã kín lịch tiếp nhận tàu từ khoảng 3-6 tháng trước khi tàu chở hàng dự kiến có kế hoạch đến cảng. Nếu đơn vị lữ hành/đại lý của tàu khách đặt vấn đề thuê cầu cảng muộn thì việc bố trí cầu cảng cho tàu khách neo đậu dường như không khả thi.
“Mặt khác, ở khu vực sông Cái Mép - Thị Vải, lựa chọn của các tàu khách gồm cả các cảng container và cảng hàng rời. Tuy nhiên, theo quy luật, mùa du lịch lại trùng với mùa thu hoạch ngũ cốc ở châu Âu và châu Mỹ. Đơn hàng về Việt Nam nhiều nên số lượng tàu chở hàng rời vào Vũng Tàu rất lớn. Các cảng tổng hợp tại khu vực không thể bố trí cầu trống để tiếp nhận tàu khách. Nếu hủy tiếp nhận tàu hàng để đón tàu khách, DN cảng sẽ phải chịu mức phạt hợp đồng rất lớn với chủ tàu hàng”, lãnh đạo Cảng vụ Vũng Tàu chia sẻ và cho rằng, việc tàu khách không thể cập cảng như dự định còn bởi nhu cầu tàu khách vào cảng không thường xuyên. Các DN lữ hành chưa thực sự chủ động để thương lượng ký kết hợp đồng với DN cảng từ trước. Khi chỉ còn khoảng 1-2 tháng trước khi tàu dự kiến đến cảng và khi không còn cầu trống mới đề nghị và nhờ cơ quan chức năng can thiệp, vận động cảng hỗ trợ, gây khó khăn cho chủ cảng, chủ hàng.
Đại diện Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), một trong những DN có chuỗi cảng biển lớn nhất cả nước cho rằng, thực tế, chi phí dịch vụ các chủ cảng thu được khi tiếp nhận tàu hàng lớn hơn so với việc tiếp nhận một tàu khách với quy mô tương đương.Vì tàu hàng còn mang lại nguồn thu cho DN từ việc sử dụng dịch vụ sau cảng như: bốc xếp, vận chuyển, lưu kho,.. Điều này tác động không nhỏ đến sự lựa chọn của chủ cảng trước áp lực doanh thu và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng chiến lược.
“Việc đón tàu hàng được thực hiện trên hợp đồng với chủ hàng từ nhiều tháng trước. Sự cố tàu khách không thể cập cảng chỉ có thể do đăng ký chậm và trùng lịch được ký kết của tàu hàng khiến chủ cảng không thể xoay chuyển tình thế. Còn lại, nếu cầu cảng còn trống và không có hợp đồng với tàu hàng thì không DN nào từ chối nguồn thu mà tàu khách đem tới”, đại diện Tổng công ty Hàng hải VN nói.
Sớm hình thành cảng tàu khách chuyên dụng
Đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp nhận tàu khách tại khu vực cảng, đại diện Vinalines cho rằng, hiện ở Việt Nam chưa có cảng đón tàu khách chuyên dụng. Các bến cảng hàng hóa đang gánh đồng thời 2 trách nhiệm: Vừa khai thác theo công năng công bố cảng, vừa kết hợp đón tàu du lịch quốc tế khi có cầu cảng trống. Để dung hòa được quyền lợi giữa tàu hàng và tàu khách, hệ thống cảng biển cần có sự chuyên môn hóa, nghĩa là việc nghiên cứu, xây dựng cảng tàu khách chuyên dụng để nâng cao năng lực, chất lượng và tần suất đón tàu du lịch cần được triển khai sớm.
Theo lãnh đạo Cảng vụ Vũng Tàu, cùng với các giải pháp tình thế đang được triển khai như: Vận động DN cảng chia sẻ khó khăn với ngành du lịch, các đơn vị lữ hành cần chủ động hơn trong việc hợp đồng thuê cầu bến sớm. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản giao Sở GTVT chủ trì khảo sát, xác định cụ thể quy mô, địa điểm quy hoạch cảng tàu khách du lịch quốc tế. “Tại các cuộc tiếp xúc với nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện các biện pháp cần thiết để quảng bá, khuyến khích và đưa ra các hình thức ưu đãi đối với các nhà đầu tư loại hình cảng tàu khách chuyên dùng kết hợp với các sản phẩm du lịch, dịch vụ khác”, lãnh đạo Cảng vụ này thông tin.
Theo đại diện Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh, việc đầu tư cảng tàu khách chuyên dụng sẽ cần nguồn vốn rất lớn. Để đầu tư cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào xây dựng.
Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải VN cho biết, Cục đang yêu cầu các đơn vị cảng vụ báo cáo cụ thể về tình hình khai thác cảng, tiếp nhận tàu khách thời gian qua. Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải VN sẽ có những đánh giá, đưa ra những giải pháp tối ưu nhất cùng các địa phương và khối DN cảng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận tàu khách cập cảng.