Theo Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM , giai đoạn năm 2018 -2019 nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư tại TP.HCM, tuy nhiên, thời gian gần đây các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển ra các tỉnh/thành lân lận.
Điều kiện để TP.HCM phát triển thành đầu tàu kinh tế trọng điểm phía Nam?
Ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm tới TP.HCM và cũng trong những năm qua thì Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối tại đây để chia sẻ và thảo luận trực tiếp với UBND TP.HCM và các doanh nghiệp Việt Nam.
Song, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của TP.HCM và các tỉnh phía Nam cần giải quyết là cơ sở hạ tầng, "chính quyền cần phải giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng tốt hơn nữa" - tại hội thảo xúc tiến đầu tư tại TP.HCM được tổ chức gần đây đại diện JETRO đã nhấn mạnh trong phát biểu kiến nghị.
Lý giải cho kiến nghị này, thứ nhất, TP.HCM là địa phương lớn và được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nếu để nguyên như vậy TP.HCM vẫn phát triển nhưng để có thể trở thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, và có thể phát triển tốt hơn nữa thì TP.HCM cần phải kết nối tốt với các tỉnh/thành phía Nam và các tỉnh lân cận.
Thứ hai, cải tạo lại hệ thống giao thông của thành phố để việc kết nối với các tỉnh/thành lân cận hiệu quả và tốt hơn, khi đó TP.HCM mới đủ sức phát triển thành khu kinh tế trọng điểm phía Nam.
Mặc dù TP.HCM vẫn đang là điểm đến được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhưng họ bắt đầu đầu tư sang các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, có một số doanh nghiệp đã tìm đến Vĩnh Long, Trà Vinh và những khu vực xa như Bình Phước … Điều này cho thấy, không chỉ TP.HCM mà các khu vực lân cận cũng rất quan trọng đối với nhà đầu tư.
"Chúng Tôi đã làm 1 khảo sát nếu đi từ TP.HCM đến các tỉnh lân cận xem mất bao nhiêu thời gian di chuyển? Kết quả là tới Cà Mau mất 6 giờ 30 phút, xuống Vĩnh Long là 2 giờ 10 phút và Bình Phước là 2 giờ 50 phút.
Hiện nay, đi đến các địa phương nếu mất 2 tiếng thậm chí 3 giờ ngồi ô tô nhà đầu tư cũng bắt đầu quan tâm tìm hiểu để đầu tư. Trong tương lai gần nếu nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các tỉnh phía Nam được thuận lợi hơn, thời gian di chuyển dưới 2 giờ đi ô tô thì cơ hội kết nối và đầu tư tại các địa phương này sẽ tăng lên rất nhiều", ông Shinji Hirai nhắn mạnh.
Ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện JETRO
Thanh Hóa là một lựa chọn phù hợp cho nhà đầu tư ở khu vực phía Bắc
Tại khu vực phía Bắc, ông Vũ Minh Chí, Trưởng phòng Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp, Colliers Việt Nam cho rằng, với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất gắn chặt theo chuỗi với các công ty đối tác khác, họ sẽ tính toán làm sao để đi ra khu vực cách "tâm điểm" trong một khoảng thời gian di chuyển phù hợp tùy vào lựa chọn của từng doanh nghiệp. Với cách làm này, vừa vẫn có thể kết nối với các công ty trong chuỗi sản xuất trong khi hạ tầng giao thông ở vùng phụ cận Hà Nội và TP.HCM là khá tốt, có thể đảm bảo việc di chuyển và vận tải thuận lợi.
Đối với các doanh nghiệp còn tương đối "độc lập", chưa bị lệ thuộc vào chuỗi liên kết với các đối tác khác và có thể bắt đầu hình thành một chuỗi sản xuất mới hoàn toàn thì có thể tìm đến các tỉnh, thành phố xa hơn. Ví dụ, tại khu vực phía Bắc, Thanh Hóa là một lựa chọn phù hợp.
Thanh Hóa có một vị trí chiến lược quan trọng, có cảng nước sâu Nghi Sơn với năng lực khai thác hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 100,000 DWT. Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha là một trong số 8 khu kinh tế ven biển được vận hành với những cơ chế ưu đãi đặc biệt. Trong khi đó, sân bay Thọ Xuân đang được quy hoạch để trở thành sân bay quốc tế. Không thể không nhắc đến cửa khẩu Na Mèo giúp liên thông với Lào và một số quốc gia Đông Nam Á.
Giá thuê trung bình ở phân khúc bất động sản công nghiệp tại Thanh Hóa vào khoảng 45USD/m2/kỳ hạn thuê. Mức giá này là hết sức hấp dẫn so với các tỉnh và thành phố lân cận. Ví dụ, mức giá ở Hà Nội là 140USD/m2/kỳ hạn thuê, Hải Phòng là 95USD/m2/kỳ hạn thuê, Hải Dương là 60USD/m2/kỳ hạn thuê hay Hưng Yên là 75USD/m2/kỳ hạn thuê.
Các tỉnh với hạ tầng mới được đầu tư xây dựng, có sân bay, cảng biển, giao thông kết nối liên vùng tốt như Thanh Hóa hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp quốc tế. Đó là chưa kể, do mới phát triển các khu công nghiệp quy mô, các địa phương này còn có chính sách ưu đãi rất hấp dẫn dành cho nhà đầu tư, trong khi áp dụng nhiều tiêu chuẩn hiện đại trong việc xây dựng và quản lý khu công nghiệp.