Theo thống kê của Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên lần thứ 11 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, tổng giá trị các thương vụ M&A công bố trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1,9 tỷ USD, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhìn chung, quy mô các thương vụ M&A tại Việt Nam hiện vẫn ở quy mô rất nhỏ. Và theo nhận định của các chuyên gia, nếu muốn thị trường M&A "bứt phá" cần phải có những thương vụ lớn để thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, như trường hợp Sabeco, Vinamilk…
6 tháng giảm 47%
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức hiện nay là một số rào cản chính sách trong nước còn chưa được tháo gỡ; chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn; quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước ì ạch…
Trong khi đó, quan sát trên thị trường chứng khoán có thể dễ dàng nhận thấy, một số lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như Logistics (cổ phiếu GMD), hạ tầng viễn thông (cổ phiếu FPT), tiện ích (cổ phiếu REE) đều đã kín room ngoại nhưng vẫn chưa có thêm hàng hoá mới để thu hút các nhà đầu tư.
Ngoài các vấn đề về chính sách, một trong những vấn đề mấu chốt hiện nay đó là tính minh bạch ảnh hưởng đến việc định giá. Nhiều đánh giá cho rằng chất lượng thông tin công bố của các doanh nghiệp vẫn còn rất sơ sài và hầu như chỉ đáp ứng "đúng quy trình" chứ không đáp ứng tiêu chí minh bạch, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Theo ông Tamotsu Majima, Giám đốc cấp cao của Recof (Nhật Bản), mặc dù rất quan tâm đến M&A tại Việt Nam nhưng hoạt động này đối diện với một số thách thức, khó khăn về quản trị doanh nghiệp. "Doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản đòi hỏi cao về quản trị và sự minh bạch và rất ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu này", ông Tamotsu Majima nói.
Còn theo ông Nhữ Đình Hoà, Tổng giám đốc của CTCK Bảo Việt (BVSC), một số nội dung trong Luật doanh nghiệp hiện nay tạo ra sự bất lợi cho các nhà đầu tư lớn tham gia mua cổ phần doanh nghiệp. Trong đó, quy định nhà đầu tư phải sở hữu cổ phiếu trong khoảng thời gian 6 tháng mới được ứng cử vào HĐQT, Ban kiểm soát, triệu tập ĐHĐCĐ đã gây khó khăn cho NĐT vừa sở hữu trên 50%.
Nhà đầu tư quan ngại Nghị định liên quan Luật Cạnh tranh
Việt Nam đang có những thay đổi về chính sách để khuyến khích đầu tư, được giới đầu tư quốc tế đang rất trông chờ các chính sách mà Việt Nam sắp sửa đổi như Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, và Luật Chứng khoán mới. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, việc sửa đổi các luật này có thể làm giảm thời gian, chi phí các thương vụ, thủ tục cho nhà đầu tư tham gia các thương vụ. Tuy nhiên, có một điểm ông Dominic Scriven nhấn mạnh chính là Nghị định hướng dẫn liên quan đến Luật Cạnh tranh khiến nhà đầu tư còn quan ngại.
Trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Cạnh Tranh bản gần nhất, thương vụ có thể rơi vào ngưỡng phải thông báo tập trung kinh tế nếu giá trị trên 42 triệu USD Mỹ, hoặc tổng giá trị hoặc tổng doanh thu của một trong các bên tham gia ở Việt Nam vượt trên ngưỡng 85 triệu USD Mỹ, hoặc thị phần kết hợp của các bên tham gia vượt ngưỡng 20%.
So với luật cạnh tranh cũ, chỉ có một ngưỡng phải thông báo tập trung kinh tế duy nhất là khi thị phần kết hợp vượt ngưỡng 30%. Như vậy, so quy định trong dự thảo, số lượng thương vụ phải thông báo tập trung kinh tế có thể sẽ tăng lên nhiều lần so với luật cũ. Điều khiến Chủ tịch Dragon Capital e ngại là các thương vụ M&A có giá trị 42 triệu USD trở lên tại Việt Nam đang dần trở nên phổ biến hơn. Với các NĐT trong lĩnh vực hạ tầng, năng lượng hay bất động sản thì tổng giá trị trên 85 triệu USD tại Việt Nam cũng rất phiền phức.
"Các thương vụ tôi tư vấn trong hai năm qua, nếu dự thảo được thông qua trong hai năm qua thì rất nhiều thương vụ sẽ phải làm thông báo tập trung kinh tế. Theo đó, thời gian thực hiện các thương vụ có thể kéo dài thêm 1 đến 3 tháng, vừa làm tăng chi phí, tăng gánh nặng vận hành lên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia", ông Dominic Scriven nói.
Trong khi đó thay đổi này theo chủ tịch Dragon Capital là không chắc cần thiết trong việc điều tiết rủi ro về cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, bất động sản có giá trị trên 85 triệu USD là bình thường, và với giá trị đó thì thị phần đạt được chỉ vài phần phần trăm nên không thể ảnh hưởng đáng kể đến thị trường.