Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 3 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 698 nghìn tấn và 260 triệu USD, giảm 21,7% về khối lượng và giảm 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Tính riêng trong tháng 3, giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân của Việt Nam đạt 373 USD/tấn, tương đương tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Xét về cơ cấu sản phẩm, tháng 3, tinh bột sắn chiếm 70,9% và sắn lát chỉ chiếm 29,1% tổng khối lượng xuất khẩu, trong khi, năm 2017, tinh bột sắn là 57,9% và sắn lát là 42,1%.
Xét về cơ cấu thị trường, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 88,5%. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là, so với cùng kỳ năm 2018, xuất khẩu sắn sang Trung Quốc trong tháng 3 đã giảm tới 32,3% về lượng và 16,6% về giá trị.
Như vậy nguyên nhân dẫn tới sụt giảm về xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 3 là do sự sụt giảm về cầu nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phân tích: Thực tế, từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kỳ.
Cơ quan dự trữ ngũ cốc quốc gia của Trung Quốc (Sinograin) thông báo rằng đã giảm được 100 triệu tấn ngô trong năm 2018, khiến giá ngô trở nên cạnh tranh hơn và dẫn tới sụt giảm các sản phẩm thay thế ngô, đặc biệt là sắn lát.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm do nước này tăng nhập khẩu sắn chính ngạch từ Thái Lan, đồng thời, kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu.
Về triển vọng "bức tranh" xuất khẩu sắn thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu rõ: Trung Quốc đang thực hiện Kế hoạch thúc đẩy mở rộng sản xuất và sử dụng ethanol với mục tiêu sử dụng 10 triệu tấn ethanol E10 vào năm 2020 sẽ đẩy nhu cầu sắn tăng gấp đôi (dự kiến tỷ lệ 2-2,3 kg sắn cho 1 lít ethanol).
Thêm vào đó, đồng Baht của Thái Lan tiếp tục tăng giá so với đồng USD, giúp giá sắn của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với giá sắn Thái Lan trên thị trường Trung Quốc.
Bởi vậy, triển vọng xuất khẩu sắn sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc các nhà sản xuất có sẵn sàng chấp nhận rủi ro tiếp tục phụ thuộc vào nhu cầu tại thị trường Trung Quốc và chính sách xả ngô dự trữ của nước này (hiện nay, lượng ngô dự trữ của Trung Quốc còn khoảng hơn 100 triệu tấn) hay hướng tới các giải pháp như: Giảm diện tích trồng sắn, nâng cấp chất lượng sắn phục vụ ngành chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.