Một số thị trường truyền thống của Việt Nam tại Đông Bắc Á còn chưa mở cửa và khá dè dặt, cộng thêm các yếu tố về địa chính trị, suy thoái kinh tế khiến dòng khách từ châu Âu bị hạn chế. Đây là những yếu tố khách quan khiến Việt Nam chưa đạt được mục tiêu 5 triệu khách.
Về mặt chủ quan, chính sách thị thực của Việt Nam còn nhiều rào cản. Tại thời điểm mở cửa với khách quốc tế , Việt Nam vẫn chỉ miễn visa cho 24 quốc gia với thời gian là 15 ngày, gần như không có sự thay đổi trong suốt 8 tháng qua. Khách đi tự túc phải mua tour qua các công ty du lịch, đối mặt với những thủ tục nhập cảnh chậm chạp và thời gian chờ xét duyệt hồ sơ kéo dài. Vì vậy, cấp thị thực trực tuyến và cấp thị thực ngay tại cửa khẩu được kiến nghị xúc tiến nhanh, để tạo ra sức cạnh tranh khách quốc tế.
"Để đón khách quốc tế trong thời gian tới phải có những sản phẩm mới, dịch vụ mới phù hợp với khách quốc tế. Thị trường mới cũng đã thay đổi. Trước đây chúng ta trông đợi vào những thị trường gần thì bây giờ không những thị trường gần mà những thị trường xa đối với chúng ta cũng rất quan trọng", ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định.
Khi các nước láng giềng như Thái Lan hay Singapore bắt tay ngay vào kế hoạch quốc gia phục hồi du lịch sau COVID-19, Việt Nam là một trong những quốc gia mở cửa du lịch quốc tế sớm nhất, đến nay vẫn chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch. Hiện sáng kiến xúc tiến hay xây dựng sản phẩm vẫn trong tình trạng mạnh ai nấy làm.
8 tháng qua, ngành công nghiệp không khói dựa chủ yếu vào nguồn khách nội địa. Trước COVID-19, tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 18,3 tỷ USD, chiếm hơn một nửa doanh thu toàn ngành du lịch. Để nắm lợi thế cạnh tranh, nhiều chính sách cần được khơi thông.