Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản đạt 5,4 tỷ USD, giảm 2,6%; rau quả đạt 2,5 tỷ USD, giảm 6%.
Từ giữa 2018, Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. (Ảnh minh họa)
Trong 8 tháng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD, giảm 2,5%. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc với kim ngạch đạt 49,2 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.
Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Hiện Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về cà phê..., đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Tuy nhiên, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất, đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.
Bộ Công Thương cho biết, thực tế, từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường như đối với một số mặt hàng cụ thể như gạo, sắn…
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin về quy định của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông thủy sản nhập khẩu tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu liên quan.
Mặc dù vậy, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp trong nước chưa kịp thời cập nhật hoặc tuy đã biết thông tin nhưng chưa thực sự quan tâm, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, xuất khẩu và cách thức tiếp cận thị trường phù hợp với các quy định và xu thế phát triển của thị trường Trung Quốc, dẫn đến tình trạng hàng hóa không thể thông quan và gây ùn ứ tại cảng, cửa khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm. Có thể thấy rằng, hàng hóa nông thủy sản của ta vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này.
Chính vì thế, sắp tới đây, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT nhằm rà soát, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng tổ chức lại sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu của Trung Quốc góp phần tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc và phát triển xuất khẩu nông thủy sản bền vững sang thị trường này thời gian tới.