Tại thời điểm đầu năm 2020, với thị giá DGC lúc đó, ước tính tổng tài sản trên sàn chứng khoán của cha con ông Huyền rơi vào 470 tỷ đồng. Hiện tại, khối tài sản đó đã rơi vào khoảng 7.825 tỷ đồng. Đồng nghĩa với sau 2 năm, khối tài sản của 2 người tăng lên khoảng 16,6 lần.
Số liệu thống kê theo BC quản trị năm 2021 của DGC
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số cổ phiếu 2 cha con ông Huyền đang sở hữu là 36,66 triệu cổ phiếu DGC, với thị giá ngày 23/2/2022 của DGC là 213.400 đồng/cp, ước tính khối tài sản của 2 cha con là gần 7.825 tỷ đồng, trong đó giá trị cổ phiếu Đào Hữu Duy Anh nắm giữ đạt 1.065 tỷ đồng.
Chân dung vị Lãnh đạo trẻ tuổi Thìn
Ông Đào Hữu Duy Anh sinh năm 1988, tốt nghiệp thạc sỹ Hoá đại học Cambridge, Anh.
Trong 1 bài phỏng vấn với Người đồng hành vào năm 2018, vị Chủ tịch trẻ tuổi này đã tiết lộ nhiều câu chuyện về bản thân và công việc tại hoá chất Đức Giang.
Giành được một phần học bổng của Đại học Cambridge và có những năm tháng du học ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất nước Anh, song cứ đến kỳ nghỉ hè, Duy Anh lại trở về Việt Nam và gần như dành toàn bộ khoảng thời gian này để làm quen với công việc kinh doanh từ nhỏ nhất của gia đình.
Cũng giống như các du học sinh khác, Duy Anh từng có ý định ở lại làm việc để trải nghiệm cũng như tích lũy kinh nghiệm trong các tập đoàn hàng đầu thế giới trước khi về nước. Nhưng những công việc trải qua trong khoảng thời gian về nước nghỉ hè, nghỉ Tết khiến chàng du học sinh thay đổi dự định cho tương lai.
"Lúc đó, suy nghĩ cũng mơ mộng lắm, muốn làm cho McKinsey, muốn làm cho các doanh nghiệp nước ngoài… Nhưng về thấy bố mẹ đã hơn 50 tuổi rồi mà vẫn phải di chuyển liên tục để xây dựng, quản lý các nhà máy, thấy thương quá.
Mùa hè cuối cùng ở Anh, trước khi quyết định sẽ về hay ở lại thêm vài năm nữa, có một lần mình đứng ở Harrods - khu phố đắt đỏ nhất London. Mọi thứ đều hào nhoáng. Nhưng mình chợt nhận ra thực sự chưa bao giờ thấy cuộc sống ở Anh là vui cả, vì không có gia đình ở đây. Chỉ khi về nghỉ hè hay nghỉ Tết ở Việt Nam, cứ về đến nhà là cảm thấy vui rồi", Duy Anh tâm sự.
Năm 2009, Đức Giang thành lập công ty con là Hóa chất Đức Giang - Lào Cai tại Cụm Công Nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, khởi công nhà máy sản xuất phosphor lớn nhất Việt Nam (công suất 40.000 tấn/năm). Mùa hè năm đó, Bảo Thắng thường xuyên 40 độ.
Công việc đầu tiên tại DGC của Duy Anh là công nhân đổ bê tông, sau đó là công nhân ở xưởng nguyên liệu. Tất cả đều phải làm 8 tiếng một ngày. Nhà máy chưa xong, máy móc thiết bị chưa lắp, anh công nhân trẻ phải trực tiếp xúc than, xúc apatite vào máy sàng. “Đó là mùa hè không thể quên”, vị Phó tổng giám đốc trẻ khi đó nhớ lại.
Trở về sau những năm du học, công việc chính thức đầu tiên Duy Anh đảm nhiệm ở Đức Giang là làm trợ lý cho bố mình – ông Đào Hữu Huyền.
"Bố mẹ mình nói rằng, muốn làm giỏi, phải làm được những việc bé nhất. Thế nên mình làm trợ lý cho bố, rồi làm trong phòng nghiên cứu và phát triển (R&D), rồi phụ trách mảng xuất khẩu, rồi làm dự án mới với giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng. Phải tự tay chọn công nghệ, lựa chọn bên mua, tìm bên bán, mọi việc đều phải làm hết".
Đào Duy Anh trong cuộc phỏng vấn năm 2018 - Nguồn: Người đồng hành
Môi trường chuyên nghiệp và những kiến thức học ở Anh, và môi trường làm việc tại một doanh nghiệp có gốc Nhà nước rất khác biệt. Chẳng hạn khi Duy Anh đề xuất áp dụng các phần mềm quản lý như ERP, SRP để số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, rất nhiều người nghi ngờ việc biến toàn bộ sổ sách thành dữ liệu trên máy tính.
Phương châm của Duy Anh là kết hợp cả những thực tế của doanh nghiệp và ưu điểm của các mô hình nước ngoài. Vị lãnh đạo 8x cho rằng, quá trình chuyển giao giữa quá trình quản lý nhà nước và mô hình công ty tư nhân không thể bê nguyên 100% quản lý nước ngoài để áp dụng. Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều đặc thù riêng mà quản lý nước ngoài không thể tính tới .
Với lợi thế về ngoại ngữ và kiến thức chuyên ngành Hoá chất, ban đầu Duy Anh phụ trách phần xuất khẩu hóa chất, mảng đem lại doanh thu chính cho DGC. Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu của DGC theo số liệu trong báo cáo công ty chứng khoán Tiên Phong TPS trong 3 năm từ 2019 đến 2021 lần lượt là 78%, 78% và 72%.
Ngoài ra, Duy Anh cũng phụ trách các nhân sự chủ chốt với quan điểm: "Nhiều cá nhân ở đây cũng giống như mình, đều bắt đầu từ công nhân, đứng máy, quản lý kíp sản xuất, ca sản xuất, phân xưởng, nhà máy… Những người có khả năng thì thăng tiến rất nhanh, như Đặng Tiến Đức vào công ty năm 23 tuổi và 24 tuổi trở thành Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật tại nhà máy Đức Giang - Lào Cai. Lãnh đạo trẻ nhất là một Giám đốc phụ trách dây chuyền sản xuất axit phosphoric có doanh số 600 tỷ đồng, sinh năm 1990".
Trong một cuộc phỏng vấn đầu năm 2021, Duy Anh chia sẻ về phương pháp quản trị của mình "Các giám đốc nhà máy đều là nhân tài cả. Họ là các bạn đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế, có bạn là tiến sỹ hoá học Cambridge, kỹ sư Bách Khoa… là những người đầu ngành về kỹ thuật, mình phải nắm chắc kỹ thuật, nói không sai thì người khác mới nghe được."
Đến nay, vị lãnh đạo trẻ đã gắn bó ở Đức Giang hơn 11 năm, tham gia 6 - 7 dự án nhà máy hoá chất. Trong quá trình đó, Duy Anh tham gia toàn diện vào việc lựa chọn công nghệ, kỹ thuật, nhà thầu, trang thiết bị vận hành rồi đến lúc chạy thử nhà máy... Anh chia sẻ: "Tôi học được từ cha mình niềm đam mê với hoá chất và sự thận trọng trong kinh doanh. Cái đấy không phải ai cũng có được, cha tôi 65 tuổi nhưng vẫn rất đam mê với ngành hoá chất và mang nhiều ước vọng cho Đức Giang nói riêng và muốn cho ngành hoá chất của Việt Nam phát triển hơn. Ngành hoá chất VN gần như là con số 0, chúng tôi muốn góp sức để thay đổi nền hoá chất Việt Nam."
Mới đây nhất, Công ty cổ phần tập đoàn hoá chất Đức Giang công bố Nghị quyết HĐQT thành lập Công ty TNHH MTV hoá chất Đức Giang - Đăk Nông, trong đó DGC chiếm 100% vốn góp và Đào Hữu Duy Anh là người đại diện phần vốn góp của DGC trong Đức Giang - Đăk Nông, đồng thời là Chủ tịch của Doanh nghiệp này. Đào Hữu Duy Anh đã chính thức trở thành Chủ tịch Công ty con của DGC ở tuổi 34.
Sở hữu lượng cổ phiếu với giá trị lớn nhưng từ trong bài phỏng vấn với Người đồng hành năm 2018, Duy Anh chia sẻ: “Thực sự không có cảm giác gì khác lạ vì tài sản trên thị trường chứng khoán không đánh giá được hết những gì mình đang có”.
Ngược lại, vị lãnh đạo trẻ cho rằng một trong những tài sản quý báu nhất của mình là lợi thế về ngôn ngữ - vừa kỹ thuật, vừa học thuật - để có thể trao đổi xu hướng và công nghệ với các giáo sư, kỹ sư hàng đầu của nước ngoài, để hiểu xu thế chung của thị trường hóa chất thế giới, qua đó biết được mặt hàng đang thiếu cung, có lợi thế sản xuất và lợi nhuận cao.