Doanh nhân người Pháp Bernard Arnault với khối tài sản 100 tỷ USD vừa được công bố, hiện là người giàu nhất châu Âu và vượt qua Warren Buffet vươn lên xếp hạng người giàu thứ 3 thế giới, sau Bill Gates và Jeff Bezos.
Arnault là chủ tịch và CEO của Louis Vuitton Moet Hennessy được biết đến với cái tên LVMH, nhà sản xuất hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. LVMH, ghi nhận doanh thu hơn 53 tỷ USD trong năm 2018, từ hơn 70 công ty bao gồm Christian Dior, Louis Vuitton, Dom Perignon Champagne, TAG Heuer và Rimowa. Arnault sở hữu 96,5% cổ phần của Christian Dior, kiểm soát 41% LVMH.
Đại gia đình cùng phát triển thương hiệu hàng xa xỉ LVMH
Arnault sinh ra ở thị trấn Roubaix phía Bắc nước Pháp. Ông học ngành kỹ thuật tại Ecole Polytechnique, một trường danh tiếng ở Paris, nơi từng đào tạo ra ba cựu tổng thống Pháp và ba người từng đoạt giải thưởng Nobel. Arnault kết hôn với Anne Dewavrin vào năm 1973. Họ đã có với nhau hai con trước khi ly thân vào năm 1990. Arnault đã tái hôn với Helene Mercier, một nghệ sĩ piano hòa nhạc người Canada, vào năm 1991.
Ông đã theo đuổi người vợ thứ 2 bằng cách chơi Chopin và các bản nhạc cổ điển. Tỷ phú người Pháp và vợ sống ở Bờ trái của Paris phía nam sông Seine. Trong nhà của họ, Arnault lưu giữ một bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại và đương đại từ các nghệ sĩ bao gồm Jean-Michel Basquiat, Damien Hirst, Maurizio Cattelan, Andy Warhol và Pablo Picasso.
Arnault có năm người con, hai với vợ đầu và ba người con với vợ hiện tại. Bốn trong số năm người con của Arnault là một phần của đế chế LVMH. Các con của ông liên quan khá chặt chẽ với sự nghiệp của người cha, cùng gây dựng sự nổi tiếng cho LVMH. Trong đó, Delphine được nhắc đến như là người thừa kế của đế chế LVMH. Cô bắt đầu sự nghiệp của mình tại công ty tư vấn Mỹ McKinsey & Co. ở Paris và hiện là phó chủ tịch điều hành tại Louis Vuitton. Tháng 1 năm 2019, Delphine trở thành thành viên trẻ nhất trong ủy ban điều hành của LVMH ở tuổi 43. Delphine kết hôn với người thừa kế rượu vang Ý Alessandro Vallarino Gancia vào năm 2005 trong sự kiện mà Forbes gọi là "đám cưới trong năm của Pháp". Hai người ly hôn năm 2010.
Em trai của Delphine, Antoine, là giám đốc điều hành của nhãn hiệu nam giới Berluti và chủ tịch của nhãn hiệu cashmere Loro Piana, cả hai thương hiệu thuộc LVMH. Bên cạnh đó, Antoine còn được bầu làm Giám đốc truyền thông và hình ảnh cho LVMH vào tháng 6 năm 2018.
Alexandre, con trai của Bernard Arnault và Helene Mercier, là CEO của Rimowa, một thương hiệu hành lý của Đức thuộc sở hữu của LVMH. Công ty hành lý do anh điều hành mang lại doanh thu hàng năm hơn 455 triệu USD.
Em trai của Alexandre, Frederic, cũng có một vai trò tại LVMH. Anh gia nhập tập đoàn với tư cách là giám đốc chiến lược và kỹ thuật số tại thương hiệu đồng hồ xa xỉ Thụy Sĩ TAG Heuer, thương hiệu đồng hồ lớn nhất của LVMH, vào năm 2018.
Frederic tốt nghiệp trường cũ của cha mình, École Polytechnique ở Paris, và thực tập tại Facebook và công ty tư vấn McKinsey trước khi gia nhập LVMH với tư cách là người đứng đầu tạm thời các công nghệ được kết nối tại TAG Heuer vào năm 2017.
Những thương vụ thâu tóm lịch sử mang thương hiệu Arnault
Năm 1990, Arnault hoàn thành quá trình biến LVMH hoàn toàn nằm gọn trong bàn tay. Quá trình thâu tóm LVMH của Arnault được xem là một trong những thương vụ có một trong hai trong lịch sử doanh nghiệp Pháp. Để nắm trong tay thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới này, Arnault thậm chí đã tự bỏ tiền túi và đi đường sau sửa đổi luật lệ địa phương.
Sau thương vụ để đời đó, trong suốt thập niên 1990, Arnault tiếp tục bỏ ra hàng tỷ USD để mua lại các nhãn hàng thời trang cao cấp như Fendi, Kenzo và Thomas Pink; các nhà sản xuất đồng hồ và trang sức Chaumet, Zenith và TAG Heuer; các chuỗi bán lẻ như DFS và Sephora.
Đáng chú ý, từ năm 2002, Arnault "âm thầm" bắt đầu tích lũy cổ phiếu của Hermès, bằng cách sử dụng một chiến lược giao dịch hoán đổi để kiểm soát các vị trí mà không cần phải tiết lộ danh tính. Trong năm 2010, ông mới công khai tiết lộ, LVMH đang kiểm soát 17% của Hermès.
Năm 2017, Tỷ phú người Pháp thành công thâu tóm thương hiệu Christian Dior với giá 12,1 tỷ euro (tương đương 13,2 tỷ USD), tức là 260 euro mỗi cổ phiếu. Đây được cho là một trong những thương vụ lớn nhất của tỷ phú Arnault và nó giúp mở rộng đáng kể hoạt động và kích thước của đế chế thời trang xa xỉ LVMH. Theo thương vụ này, LVMH tiếp quản Christina Dior Couture – đơn vị sản xuất thương hiệu túi Lady Dior, quần áo xa xỉ của cả nam và nữ.
Khối tài sản tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc
Là người giàu thứ ba thế giới, Arnault ngày càng giàu hơn với tốc độ đáng kinh ngạc. Vào tháng 1 năm 2019, ông đã kiếm được 4,3 tỷ USD trong một ngày sau khi cổ phiếu LVMH tăng 6,9%. Và chỉ 16 tháng sau, vào ngày 19 tháng 6, Arnault trở thành người thứ ba trên thế giới có tài sản ròng trị giá 100 tỷ USD.
Và từ cuối tháng 1 đến 27 tháng 2 năm 2019, ông đã thêm 3,9 tỷ USD vào tài sản của mình, điều này mang lại tổng giá trị tài sản ròng của ông chỉ thấp hơn 2,3 tỷ USD so với Warren Buffett. Với vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng về sự giàu có theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên vị tỷ phú Pháp này xếp hạng ở vị trí cao hơn thứ 4.
Ông sở hữu một biệt thự nghỉ dưỡng rộng lớn ở Saint-Tropez bên bờ biển Pháp. Arnault cũng đã chi ít nhất 96,4 triệu USD cho các bất động sản dân cư ở Los Angeles, ở vùng đồi Beverly, Trousdale Estates và các khu phố Hollywood Hills.
Arnault được nhiều cá nhân kiệt xuất trong giới siêu giàu và chính trị gia đánh giá rất cao về khả năng và tầm nhìn của mình. Người sáng lập Apple, Steve Jobs đã từng nói: "Bạn biết không Bernard, tôi không biết liệu trong 50 năm nữa iPhone của tôi vẫn còn thành công như vậy không nhưng tôi có thể nói với bạn, tôi chắc chắn mọi người vẫn sẽ uống Dom Pérignon của bạn". Cựu giám đốc điều hành của Goldman Sachs Lloyd Blankfein từng gọi Arnault là "một người có tầm nhìn hoàn chỉnh". Gilles Cahen-Salvador, khi đang điều hành công ty tài chính LBD France, nhận định: "Những người như Arnault đang nêu tấm gương tốt cho nền kinh tế Pháp".
Ngày nay, Arnault đã xây dựng LVMH thành tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới với 156.000 nhân viên và chi nhánh thương hiệu trải rộng khắp thế giới. Với những thành tựu của mình, tầm nhìn và phương thức kinh doanh, ông được mệnh danh là "con sói trong chiếc áo khoác cashmere".