Chiều 9/3, trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết đơn vị đang tổ chức triển lãm và lấy ý kiến người dân hoàn thiện dự án "Đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm".
Theo ông Long, nhiều năm không được đầu tư toàn diện, hạ tầng quanh hồ Hoàn Kiếm đã xuống cấp. Ông nói: "Sau nhiều đợt sửa chữa, vỉa hè quanh hồ Gươm có hơn 20 loại gạch đá khác nhau thiếu đồng bộ. Do vậy, đợt cải tạo lần này thành phố sẽ cải tạo tổng thể, đem lại bộ mặt hoàn chỉnh quanh hồ.
Dự án này sẽ bóc toàn bộ gạch block và diện tích đá xanh phía đường Đinh Tiên Hoàng (lát trong dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cách đây 8 năm) để thay thế bằng đá granite dày 10 cm có nguồn gốc từ tỉnh Bình Định.
|
Gạch block trên vỉa hè hồ Gươm sẽ được thay thế bằng đá granite có nguồn gốc từ Bình Định. Ảnh: Bảo Lâm. |
"Chúng tôi xác định đây là dự án bền vững, vì vậy, vật liệu làm vỉa hè cũng bắt buộc xác định là vật liệu bền, có độ ổn định hàng chục năm", lãnh đạo quận Hoàn Kiếm thông tin và khẳng định với các viên đá xanh và ngay cả gạch block bị thay thế có thể sử dụng lại ở các vườn hoa khác trên địa bàn quận.
Dự kiến vào giữa năm 2018, quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai dự án và hoàn thành vào dịp cuối năm 2018. Ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh việc thi công lát đá vỉa hè quanh hồ Gươm không phức tạp. Hạng mục mất thời gian xử lý nhất chủ yếu liên quan đến hệ thống điện đi ngầm, hệ thống tưới nước tự động.
"Đây là dự án quan trọng. Do đó, quận và thành phố đã chuẩn bị kỹ từ khâu nghiên cứu, lựa chọn vật liệu và giải pháp kỹ thuật thi công cũng như quá trình giám sát. Thành phố cũng đã xin ý kiến các bộ ngành để hoàn thiện dự án", Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm cho biết.
Liên quan đến việc lát đá tự nhiên vỉa ở một số quận, ngày 13/2, Thanh tra TP Hà Nội đã kết luận và chỉ ra nhiều tồn tại, sai phạm. Cụ thể, thiết kế mẫu hè đường còn tồn tại các loại đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất. Thực tế, 25/38 dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố dùng đá 1x2, có 13/38 dự án dùng đá 2x4 đổ bê tông lót nền hè.
Tại một số dự án, đá lát hè được lát sít nhau và do đá lát có chiều dày ≥ 3 cm, có thể dẫn tới hồ xi măng khó đổ đầy mạch, làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng chất lượng hè lát đá.
Mẫu đá granite dày 10 cm có nguồn gốc từ Bình Định được trưng bày, lấy ý kiến ở quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Bảo Lâm. |
Thanh tra thành phố khẳng định trách nhiệm tồn tại trên trực tiếp thuộc Phòng Quản lý xây dựng, thuộc Sở Xây dựng và Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (đơn vị tư vấn lập thiết kế mẫu).
Ngoài ra, một số UBND quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của thành phố. Các quận này không tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50-70 năm…
Trách nhiệm tồn tại trên thuộc Phòng Quản lý đô thị các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân mà trực tiếp là Trưởng phòng Quản lý đô thị. Bên cạnh đó, có trách nhiệm của phó chủ tịch phụ trách khối và chủ tịch UBND các quận trên trong công tác chỉ đạo.
Kết luận thanh tra còn chỉ rõ hàng loạt tồn tại, sai phạm khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải tạo các tuyến phố có lát hè, bó vỉa bằng đá tự nhiên.
Cụ thể, việc khảo sát hiện trạng hè trước khi cải tạo của đơn vị tư vấn còn chưa chi tiết, chưa khảo sát đến từng ga hàm ếch thu nước, các bồn cây; thiết kế cải tạo hè và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bản vẽ còn chưa đầy đủ… như 19 dự án tại 4 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.