Cụ thể, VIB bất ngờ giảm lãi suất tiết kiệm với mức giảm 0,1%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng.
Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6 - 8 tháng tại VIB hiện giảm xuống còn 4,2%/năm, và kỳ hạn 9-11 tháng còn 4,3%/năm. VIB giữ nguyên lãi suất tiền gửi các kỳ hạn còn lại: kỳ hạn 1-2 tháng là 3%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 3,5%/năm, và kỳ hạn 15-18 tháng là 4,9%/năm.
Lãi suất huy động cao nhất tại VIB là 5,1%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng.
Đây là lần thứ hai VIB giảm lãi suất huy động , sau lần giảm từ 1-2%/năm cho các kỳ hạn 6 - 36 tháng vào ngày 26/6. Trước đó, VIB đã hai lần tăng lãi suất huy động vào ngày 3/6 và ngày 11/6 với mức tăng từ 0,2 - 0,3%/năm.
Mặc dù VIB điều chỉnh giảm lãi suất nhưng xu hướng chung của các ngân hàng trong những tháng gần đây là tăng lãi suất tiết kiệm .
Kể từ tháng 4/2024, lãi suất huy động ghi nhận xu hướng hồi phục trở lại sau lần "chạm đáy" vào các tháng đầu năm. Lãi suất tại nhiều ngân hàng thương mại ghi nhận vọt tăng cao.
Tuy lãi suất ghi nhận vọt tăng trở lại nhưng trong báo cáo nhận định thị trường tháng 6 của Chứng khoán ACB, lãi suất VND đã tăng lên, nhưng vẫn ở nền thấp. Lãi suất tín phiếu, lãi suất OMO, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn ở nhiều ngân hàng đã tăng lên trong tháng vừa qua. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng không đáng kể, 0,2-0,3% ở các kỳ hạn ngắn, và vẫn đang ở nền thấp do cầu tín dụng vẫn còn yếu.
Tham khảo nhanh biểu lãi suất tiết kiệm trên các website của nhóm Ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm đầu tháng 7/2024 hiện chưa có sự biến động mới so với hồi tháng 6/2024.
Chẳng hạn như biểu lãi suất tại Vietcombank ghi nhận vẫn giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn với lãi suất huy động kỳ hạn 6 và 9 tháng cùng niêm yết ở mức 2,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng niêm yết ở mức 4,6%/năm; kỳ hạn 24 tháng trở lên niêm yết lãi suất ở mức 4,7%/năm.
Hay tại BIDV và Agribank, 2 "ông lớn" này vẫn duy trì sự ổn định, với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 và 9 tháng tiếp tục niêm yết ở mức 3,0%/năm; kỳ hạn 12, 24 tháng trở lên đều duy trì lãi suất ở mức 4,7%/năm.
Chỉ riêng với VietinBank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho các kỳ hạn 6, 9 tháng tiếp tục niêm yết ở mức 3%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm; kỳ hạn 24 tháng là 4,8%/năm, đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất được ghi nhận trong nhóm Big4.
Ở khối các Ngân hàng Thương mại cổ phần ghi nhận biểu lãi suất đã được điều chỉnh tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, ABBank là một trong những ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng mạnh nhất ở hình thức gửi trực tuyến lên đến 1,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm ABBank ở kỳ hạn 12 tháng tại ABBank cũng đã chính thức chạm mốc 6%/năm sau khi tăng 0,4%/năm. Ngoài ra, ABBank không có thay đổi mức lãi suất tiết kiệm đối với hình thức gửi tại quầy.
Hay tại VPBank cũng điều chỉnh tăng nhẹ 0,1% lãi suất ở các kỳ hạn 6, 9 tháng, 0,3% lãi suất ở kỳ hạn 24 tháng. Qua đó, biểu lãi suất mới của VPBank ở mức: 6, 9 tháng cùng niêm yết mức lãi suất là 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng niêm yết mức lãi suất là 4,9%/năm và 5,3% cho kỳ hạn 24 tháng.
Theo khảo sát, với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, hiện NCB đang là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất. Tại kỳ hạn 6 tháng hiện ở mức 5,15%; kỳ hạn 9 tháng là 5,35%; kỳ hạn 12 tháng là 5,5% và kỳ hạn từ 24 tháng đã chạm mốc 6%/năm.
Đối với kỳ hạn 24 tháng, hiện niêm yết cao nhất là 6,1% tại Oceanbank.
Nhìn lại tháng 6 vừa qua, theo ghi nhận của PV Dân Việt, thị trường có tới 23 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, bao gồm: VIB, TPBank, Nam A Bank, LPBank, GPBank, BaoVietBank, OceanBank, MSB, Bac A Bank, ABBank, PGBank, VietBank, Eximbank, MBBank, VietinBank, NCB, OCB, BVBank, Viet A Bank, VPBank, PVCombank, Techcombank, ACB.
Thậm trí nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động 2 - 3 lần như: GPBank, VIB, MB, BaoViet Bank, OceanBank, NCB, TPBank, PGBank, LPBank, OCB, Eximbank và ABBank.