Ngoài các chương trình đào tạo chuyên môn và kỹ năng do chuyên gia nội bộ đảm trách, VIB còn liên kết với các đối tác công nghệ hàng đầu để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công nghệ.
Nguồn nhân lực - “chìa khóa” quyết định chất lượng chuyển đổi số
Hiện nay, “bài toán” chuyển đổi số đang là vấn đề nan giải với các doanh nghiệp. Trong đó, nguồn nhân lực ngân hàng chất lượng là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi số và phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.
Nghiên cứu gần đây của McKinsey cho thấy, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết với bất cứ doanh nghiệp nào để phát triển bền vững nhưng thực tế, có tới 2/3 số công ty không thành công trong nỗ lực số hóa của họ, mà một trong những lý do chính là năng lực của đội ngũ nhân sự không theo kịp sự thay đổi.
Trong thực tế, việc tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ nhân lực bắt kịp yêu cầu của chuyển đổi số đã được các ngân hàng chú trọng từ lâu bên cạnh việc đầu tư vào hệ thống máy móc, công nghệ mới. Tại VIB, ngoài các chương trình đào tạo chuyên môn và kỹ năng do chuyên gia nội bộ đảm trách, ngân hàng còn liên kết với các đối tác công nghệ hàng đầu trên thế giới để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công nghệ.
Điện toán đám mây đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi |
Gần đây, VIB đã hợp tác với Amazon Web Services (AWS), công ty con của Amazon, nhà cung cấp hàng đầu thế giới về giải pháp điện toán đám mây (Cloud) để triển khai các chương trình chia sẻ thông tin, đào tạo tăng cường kiến thức chuyên môn về điện toán đám mây cũng như các giải pháp quản lý và khai thác dữ liệu.
Đây là sáng kiến trong hệ thống chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ công nghệ số của ngân hàng, nhằm trang bị cho nhân viên những kiến thức, kỹ năng làm việc trên môi trường điện toán đám mây. Và cũng là bước chuẩn bị của ngân hàng cho việc triển khai chuyển đổi hạ tầng và ứng dụng của VIB lên điện toán đám mây trong các giai đoạn tiếp theo sau khi có hành lang pháp lý đầy đủ từ Ngân hàng nhà nước.
Ông Trần Nhất Minh, Phó TGĐ kiêm GĐ Khối Dịch vụ công nghệ ngân hàng cho biết: “Công nghệ điện toán đám mây đã và đang thâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống, khiến các nhà lãnh đạo ngân hàng ngày càng nhận ra rằng đây không còn là khái niệm mang tính công nghệ, mà là một chiến lược có thể giúp các ngân hàng tăng cường sự hài lòng của khách hàng và đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường nhanh hơn, tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận của mình”.
AWS là một trong những nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới. Trong chương trình hợp tác với VIB, các chuyên gia kỹ thuật của AWS sẽ làm việc cùng với các nhân viên của VIB để đào tạo, chuyển giao các kiến thức công nghệ trong các dự án đổi mới công nghệ trên nền tảng Cloud được chọn bao gồm lĩnh vực hạ tầng công nghệ, bảo mật, phát triển ứng dụng, khai thác dữ liệu lớn, đảm bảo tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước.
VIB ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy dịch vụ
Với tầm nhìn “Trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất tại Việt Nam”, VIB luôn có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản để đón đầu làn sóng chuyển đổi số. Trong nhiều năm, VIB luôn duy trì vị thế là một trong những ngân hàng dẫn đầu xu hướng phát triển các dịch vụ ngân hàng số và đặc biệt chú trọng vào nền tảng điện thoại di động.
VIB là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam 4 năm liền giành giải thưởng về trải nghiệm khách hàng do tạp chí The Asset trao tặng, 3 năm liền nhận giải “Ngân hàng số của năm” cũng từ hệ thống giải thưởng của tạp chí kể trên.
MyVIB 4 năm liền được vinh danh Ngân hàng số của năm do The Asset trao tặng. |
VIB tiên phong ứng dụng định danh điện tử (e-KYC) đối với khách hàng đã có tài khoản đăng ký sử dụng MyVIB chỉ dưới một phút và hoàn toàn online. Ngân hàng tiên phong cung cấp giải pháp chuyển tiền trên các ứng dụng mạng xã hội với dịch vụ MyVIB Social keyboard; Tích hợp các dịch vụ tiêu dùng ngoài lĩnh vực ngân hàng; Triển khai dịch vụ tra soát điện tử trực tuyến, Smart OTP, Smart Card.
Và gần đây nhất là ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình phê duyệt hạn mức thẻ tín dụng chỉ trong 30 phút và thực hiện hoàn toàn online. Quy trình này hiện áp dụng với dòng thẻ hoàn tiền chuyên cho mua sắm trực tuyến Online Plus và có kế hoạch mở rộng cho tất cả dòng thẻ khác.
Hành trình chuyển đổi số của các ngân hàng trên thế giới thường từ 7 - 10 năm tùy công nghệ, giải pháp mà ngân hàng lựa chọn cũng như năng lực, trình độ của đội ngũ nhân sự. Theo các chuyên gia, thị trường ngân hàng Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số. Với sự đầu tư bài bản và nhất quán, hy vọng chuyển đổi số sẽ sớm đem đến “trái ngọt” cho cả ngân hàng và khách hàng.
Lệ Thanh