Ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Quốc tế (mã VIB-UPCoM) sẽ tổ chức đại hội thường niên 2018 tại khách sạn Daewoo Hà Nội. Tài liệu họp đại hội dự kiến trình đã được gửi tới các cổ đông mới đây bao gồm các nội dùng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tăng vốn cùng phương án chuyển sàn.
>> Chi tiết: Tài liệu họp
Trong tờ trình, HĐQT đề xuất đưa cổ phiếu VIB từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HoSE. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn chưa thể chốt thời gian mà dự kiến trong năm 2018-2019.
Chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ năm trước, VIB cũng cho biết sau khi lên sàn UPCoM vào năm 2017 sẽ niêm yết vào năm 2018 nhưng vẫn tùy thuộc vào tình hình thị trường để có lợi nhất cho cổ đông.
Về phương án phân phối lợi nhuận, VIB đề xuất chia 5% bằng tiền. Lợi nhuận còn lại sau khi phân phối vào các quỹ và chi trả cổ tức là 246,8 tỷ đồng. Thông tin từ truyền thông của VIB cho biết ngoài chi cổ tức bằng tiền mặt, ngân hàng sẽ trả 31% cổ phiếu thưởng cho cổ đông bằng nguồn vốn chủ sở hữu.
Năm trước, VIB cũng lên kế hoạch chia cổ phiếu thưởng và cổ tức với tỷ lệ dẫn đầu ngành. Nhưng thay vì chia thưởng, VIB đã chuyển sang kế hoạch mua cổ phiếu quỹ.
Như vậy, tổng mức chia cổ tức tiền mặt và thưởng cổ phiếu cho cổ đông của VIB đạt 36%.
Ngoài chia thưởng cho cổ đông, ngân hàng còn chào bán ra bên ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ. Theo đó, vốn điều lệ VIB dự kiến sẽ lên tối đa 8.100 tỷ đồng từ mức 5.644 tỷ đồng.
Ngoài tăng vốn, VIB còn lên kế hoạch bán 33,87 triệu cổ phiếu quỹ đã mua lại hồi tháng 12/2017. Theo kế hoạch, nhà băng này sẽ thưởng cổ phiếu cho CBCNV hơn 1,98 triệu đơn vị. Nguồn vốn để chia thưởng lấy từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và có giá trị khoảng 44,5 tỷ đồng (tính theo giá bình quân của cổ phiếu quỹ). Ước tính với mức giá 41.600 đồng/cp, phần cổ phiếu quỹ thưởng cho các CBCNV trị giá 82,16 tỷ đồng.
Phần còn lại sẽ chia thưởng cho cổ đông và bán ra cho các nhà đầu tư.
Với 2 phương án chào bán cho các nhà đầu tư bên ngoài gồm chào bán cổ phần mới và cổ phiếu quỹ, giá tối thiểu VIB đề ra là 22.500 đồng/cp - mức giá bình quân mà VIB chi ra để mua cổ phiếu quỹ.
VIB hiện không đề ra các mốc thời gian cụ thể cho từng phương án tăng vốn nhưng khẳng định sẽ hoàn tất chậm nhất không muộn hơn quý I/2019.
Về mục tiêu kinh doanh, VIB lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2018 đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2017. Tổng tài sản đạt 150.231 tỷ đồng, tăng 22%. Huy động vốn kế hoạch đạt 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22%. Tăng trưởng tín dụng theo phê duyệt của NHNN và nợ xấu duy trì dưới mức 3%.
VIB được NHNN cấp "room" tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng này kỳ vọng sẽ được NHNN cấp bổ sung và đề ra phương án tín dụng tăng 25% lên 105.220 tỷ đồng.
Năm 2017, ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tốt nhất trong giai đoạn 5 năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.405 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016 và đạt 187% kế hoạch ĐHĐCĐ giao; tổng tài sản 123,2 nghìn tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch; tăng trưởng tín dụng 26%; nợ xấu duy trì dưới 3%.
Đây cũng là năm bắt đầu quá trình chuyển đổi sang giai đoạn tiếp theo với tên gọi VIB 2.0. Trong đó, nhờ đã đầu tư mạnh mẽ vào các sản phẩm thẻ, sản phẩm bancassurance cùng sự cải tiến về quy trình sản phẩm, các kênh bán hàng, VIB đã tăng trưởng 78% số lượng thẻ tín dụng và tăng 45% doanh số bán bancassurance.
Cổ phiếu VIB đã tăng khá mạnh trong các phiên gần đây, đặc biệt khi biên độ của sàn UPCoM cho phép cổ phiếu này tăng tối đa 15% trong phiên. Sau giai đoạn tích lũy quanh vùng 30.000 đồng/cp, VIB đã tăng một mạch 33%, lên 40.900 đồng/cp - mức giá đóng cửa trong phiên giao dịch 15/3.