Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), bà Đặng Thị Thu Hà, vợ Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) Đặng Văn Sơn, vừa đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu để phục vụ nhu cầu đầu tư.
Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 4/4 - 29/4/2022 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.
Bà Hà hiện đang sở hữu gần 46,5 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,99% vốn điều lệ ngân hàng. Trong khi ông Đặng Văn Sơn nắm giữ hơn 5,88 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 0,379% vốn.
Đóng cửa ngày 30/3, cổ phiếu VIB dừng ở 47.000 đồng/cp. Ước tính với giá này, bà Hà có thể thu về khoảng 141 tỷ đồng.
Đăng ký bán cổ phiếu của người nhà ông Đặng Văn Sơn diễn ra sau khi VIB leo dốc mạnh trong hai phiên giao dịch gần đây với tổng mức tăng gần 7%.
Ở phía ngược lại, bà Phạm Thị Kim Ngọc, vợ ông Trần Nhất Minh - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối dịch vụ công nghệ ngân hàng, vừa đăng ký mua 800.000 cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 28/3-26/4/2022 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.
Trước đó, ông Trần Nhất Minh đã đăng ký mua 800.000 cổ phiếu VIB nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch sẽ được thực hiện trong thời gian 8/3 - 7/4, theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Về hoạt động VIB, Hội đồng quản trị ngân hàng mới đây đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.545 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, VIB sẽ phát hành 554,5 triệu cổ phiếu để chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên. Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng lên trên 21.000 tỷ đồng.
Đây là năm thứ ba liên tiếp VIB trả cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu. Trước đó, ngân hàng đã chi trả cổ tức với tỷ lệ 20% và 40% trong năm 2020 và 2021..
Bên cạnh kế hoạch chia cổ tức, cổ đông ngân hàng cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm với lợi nhuận mục tiêu 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với kết quả đạt được trong năm 2021.
Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).