Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM đến năm 2045 sẽ như thế nào?
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, từ năm 2017, sở đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, trao đổi với các chuyên gia đầu ngành về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2045. Đến nay, công tác xây dựng đầu bài nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đã cơ bản hoàn tất, chuẩn bị trình lãnh đạo TP.
Theo đó, cơ sở khoa học lập nhiệm vụ đầu bài điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM với những chủ trương, định hướng nổi bật là: phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh; phát triển Khu đô thị sáng tạo phía Đông và phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Các nội dung được trình bày qua 7 chuyên đề nghiên cứu, gồm: nguồn lực và động lực kinh tế - xã hội; đặc trưng đô thị - chất lượng sống - di sản; liên kết phát triển trong vùng đô thị lớn; cấu trúc và mô hình phát triển TP.HCM; mô hình TOD và tăng cường năng lực giao thông nội đô; nâng cấp và phát triển hạ tầng kỹ thuật; thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý ngập.
Vấn đề không kém quan trọng là không gian đô thị của TP.HCM phải là không gian kết nối hạ tầng tối ưu, làm nền tảng và phục vụ một TP thông minh, phát triển bền vững. Và một điều mà giới doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là xây dựng TP.HCM thành Trung tâm "khởi nghiệp", khuyến khích đầu tư mạo hiểm, xem đây là một giải pháp quan trọng vừa để thúc đẩy tinh thần sáng tạo kinh doanh, vừa tăng cường các phẩm chất nhân văn của người thành phố. Đồng thời, cần xây dựng TP.HCM thành Trung tâm Giáo dục - Đào tạo và Nghiên cứu - Phát triển đẳng cấp quốc tế và khu vực.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia quy hoạch, TP.HCM có thuận lợi để làm điều này khi có 75 trường đại học, cao đẳng và 700.000 sinh viên, trong đó có nhiều trường đại học liên kết với các nước có nền giáo dục đào tạo tiên tiến.
Theo ước tính, TP.HCM hiện có khoảng 300.000 doanh nghiệp trong nước, hơn 5.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 3.000 doanh nghiệp từ 62 quốc gia có văn phòng đại diện. TP hiện có 17 khu chế xuất và khu công nghiệp với diện tích trên 4.000ha.
Dự kiến sẽ thành lập thêm 7 khu công nghiệp mới với diện tích hơn 2.000ha. Và mục tiêu của TP.HCM sẽ có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Với một TP.HCM xác lập "đẳng cấp quốc tế" cũng cần tạo lập lực lượng doanh nghiệp mạnh, coi một số tập đoàn doanh nghiệp tư nhân mạnh làm trụ cột, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, các tập đoàn lớn - nhà đầu tư chiến lược, có khả năng mở rộng kết nối chuỗi toàn cầu là mục tiêu ưu tiên.
Các mục tiêu phát triển đến năm 2045
TP.HCM sẽ giải quyết triệt để tình trạng ngập nước khi mưa có cường độ nhỏ hơn 120mm/3 giờ và triều cường đến 1,7m; tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng mặt trời lên 25% - 30% tổng công suất tiêu thụ điện của TP.HCM; hạn chế thất thoát và sử dụng tiết kiệm tài nguyên trong hạ tầng kỹ thuật như nước, đất, năng lượng và cây xanh.
Phát triển không gian đô thị TP.HCM cần ưu tiên xem xét giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và khả năng ngập lụt; hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp quy mô lớn; chú trọng định hướng cải tạo và tái phát triển các khu vực đô thị hiện hữu.
Việc phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng (TOD), theo đó định hướng phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp các chức năng khác nhau xung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn.
Hình thành các hạt nhân của các trung tâm: trung tâm tri thức, y tế, văn hóa, giáo dục của vùng đô thị và các hạt nhân của các khu đô thị mới.
Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TP.HCM và các địa phương lân cận, cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của TP.HCM…
Về mạng lưới hạ tầng giao thông quy mô lớn, trước đó, TP.HCM đã ban hành kế hoạch Chương trình giảm ùn tắc giao thông , giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2018-2020. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, TP.HCM phải đưa vào sử dụng 68 dự án đường bộ nhằm giải tỏa nhiều điểm ùn tắc giao thông. Tổng nguồn lực tập trung thực hiện gần 96.160 tỉ đồng , trong đó hơn 11.500 tỉ đồng đầu tư phương tiện phục vụ hành khách công cộng.
Theo đó, 68 dự án giao thông đường bộ có 45 dự án làm đường gồm: 5 dự án đường vành đai, một dự án quốc lộ, một dự án cao tốc, 3 nút giao, 35 trục đường hướng tâm cũng như kết nối các địa phương lân cận và 23 dự án xây cầu.
Cụ thể, từ nay đến năm 2020 sẽ mở rộng đoạn quốc lộ 1 từ nút giao Tân Kiên (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) đến nút giao Bình Thuận (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) dài 2,5 km, mở rộng lên 35 m; làm đường cao tốc liên vùng phía Nam TP là Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành dài 59 km, quy mô 10 làn xe.
Ba nút giao được xây dựng trong thời gian này là nút giao Ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân, sẽ xây cầu vượt hai chiều hướng Thoại Ngọc Hầu - Hương lộ 2); nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, giai đoạn 1 sẽ xây nút giao ba tầng khác mức gồm hầm, cầu vượt, đảo trung tâm và cầu Rạch Đỉa); nút giao An Phú (quận 2, xây hầm chui hướng cao tốc Mai Chí Thọ, cầu vượt hướng Lương Định Của).
Đồng thời gấp rút triển khai 35 dự án đường giao thông nâng cấp, mở rộng các con đường huyết mạch của TP như mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn Cộng Hòa - Lê Trọng Tấn (quận Tân Bình); mở rộng Trường Chinh đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ (quận Tân Bình); mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) đoạn từ Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân; mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) đoạn từ cầu Kênh Tẻ đến Nguyễn Văn Linh lên 40 m; nâng cấp Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân); cải tạo, hoàn thiện tuyến đường Vành đai phía Đông; nâng cấp đường Lương Định Của (quận 2)…
Cũng theo kế hoạch, TP.HCM sẽ nâng cấp, mở rộng, xây mới 23 cây cầu và dự kiến đưa vào sử dụng trong vòng hơn 26 tháng tới (tức hơn một tháng phải xây một cây cầu). Trong đó, quận 9 được ưu tiên với sáu công trình cầu mới: cầu Chùm Chụp, cầu Lấp, cầu Làng, cầu Ông Bồn, cầu Vàm Xuồng, cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới.