Toàn cảnh 4 tuyến đường quanh Thủ Thiêm liên quan đến vi phạm của ông Tất Thành Cang
Chiều 15/11 bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận sai phạm "rất nghiêm trọng" trong nguyên tắc tập trung dân chủ và quy định về chuyển nhượng dự án. Ngoài việc vi phạm khi ở vị trí đương nhiệm, ông Cang còn bị cho là có sai phạm trong thời gian là Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM.
Cụ thể, ông Cang đã vi phạm quy định về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Quang Minh, đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Theo hồ sơ, ngày 1/12/2014, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Đào Thị Hương Lan và ông Trần Bá Dương ký kết hợp đồng BT xây 4 tuyến đường này. Tuy nhiên, trước đó một năm tháng 11/2013, Đại Quang Minh đã ký tắt hợp đồng BT với TP.HCM và dự án đã được khởi công từ đầu năm 2014 để kịp tiến độ hoàn thành vào năm 2017. Bản hợp đồng tắt này được ông Tất Thành Cang (Giám đốc Sở GTVT) đại diện UBND thành phố ký kết và được đóng dấu "mật".
Về quá trình triển khai dự án 4 tuyến đường chính, ngày 19/12/2008, UBND TP.HCM có văn bản số 7910/UBND-ĐTMT chấp thuận cho VIDIFI lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng 3 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức BT. Sau đó, UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm tuyến Vòng cung châu thổ, nên dự án có 4 tuyến đường.
Các tuyến đường gồm Đại lộ Vòng cung (tuyến R1), đường ven hồ trung tâm (tuyến R2), đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3), đường Vùng châu thổ, đường Châu thổ, đường ven sông - khu dân cư (tuyến R4). Trên toàn tuyến có 10 cây cầu bao gồm 2 cầu cạn.
Tháng 11/2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chấp thuận đồng thời giao UBND TP.HCM quyền lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT này. Trên cơ sở đó, năm 2010, UBND TP.HCM giao quyền đầu tư dự án cho VIDIFI.
Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế và nhận thấy dự án xây dựng 4 tuyến đường nói trên có tổng vốn đầu tư rất lớn, VIDIFI đã đề xuất hợp tác đầu tư cùng Đại Quang Minh. Ngày 7/12/2012, TP.HCM đồng ý với sự hợp tác trên.
Nhưng đến ngày 27/5/2013, VIDIFI có công văn gửi UBND thành phố xin rút khỏi liên doanh thực hiện dự án. Tháng 6/2013, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất trên và chấp thuận cho Đại Quang Minh thay thế VIDIFI triển khai 4 tuyến đường với tổng mức đầu tư 12.182 tỷ đồng, bao gồm 3.917 tỷ đồng là chi phí dự phòng trượt giá và chi phí lãi vay.
Tháng 2/2014, Đại Quang Minh chính thức khởi công dự án. Tiếp đó ngày 22/5/2014, Đại Quang Minh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm và công viên bờ sông vào chung một hợp đồng BT với dự án 4 tuyến đường chính.
Về cơ chế đầu tư và thanh toán hợp đồng BT cho dự án này, năm 2014, TP.HCM giao cho Đại Quang Minh gần 79ha "đất vàng" tại 2 phường Thủ Thiêm và An Lợi Đông ở quận 2; trong đó có 36ha là đất ở và thương mại dịch vụ, 8,73 ha đất công trình công cộng và tiện ích xã hội như trường học, nhà văn hóa, bến du thuyền; 1,79ha đất xây dựng công viên cây xanh và 31,25ha đất giao thông.
Ngoài ra, liên quan đến hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại Quang Minh cũng được UBND TP.HCM giao làm chủ đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2 theo hợp đồng BT. Tuy nhiên hiện nay dự án đang vướng giải phóng mặt bằng phía đường Tôn Đức Thắng.
Dự án được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ quá trình hình thành và phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, tạo động lực để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đại diện chủ đầu tư cho biết một số đoạn, hạng mục của các tuyến đường đang dở dang, ngừng thi công hàng năm trời vì chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng.
Ngoài 4 tuyến đường được giao, đường Bắc - Nam mang tên Nguyễn Cơ Thạch cũng được mở rộng thành 8 làn xe từ chân cầu Thủ Thiêm 1 cắt Đại lộ Mai Chí Thọ chạy vào giữa khu đô thị Sala.
Để thanh toán cho hợp đồng 12.200 tỷ, TP.HCM trả cho Đại Quang Minh 79ha đất tại trung tâm Thủ Thiêm để xây dựng khu đô thị và khu dân cư.
Ngoài ra, liên quan đến hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại Quang Minh cũng được UBND TP.HCM giao làm chủ đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2 theo hợp đồng BT. Tuy nhiên hiện nay dự án đang vướng giải phóng mặt bằng phía đường Tôn Đức Thắng.