Toàn cảnh dự án tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99%
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với nguồn vốn ODA vay từ Trung Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008, trong đó vốn của Chính phủ Việt Nam là 133,86 triệu USD, vốn vay ưu đãi của Trung Quốc là 419 triệu USD. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 800 triệu USD, đội vốn 250 triệu USD.
Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông được trang bị 13 đoàn tàu với hệ thống cung cấp điện từ ray thứ 3, có độ an toàn và ổn định cao cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị. Đầu tàu là loại cabin lái hai chiều và có thể đổi chiều mà không cần quay đầu. Chiều dài trung bình toa xe là khoảng 20m với 4 cửa mỗi bên.
Điểm đầu của tuyến tại nút giao cắt đường Cát Linh - Giảng Võ, đi theo đường Hào Nam, qua phố Hoàng Cầu tới đường Láng, sau đó chạy ngang qua sông Tô Lịch, dọc theo trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung và kết thúc tại Bến xe Yên Nghĩa.
Dọc theo tuyến Cát Linh - Hà Đông có nhiều tuyến đường chính có cư dân đông đúc thuộc quận Đống Đa như đường Vũ Thạnh, Hào Nam, An Trạch (thuộc phường Cát Linh); đường Đặng Tiến Đông, Thái Hà (thuộc phường Trung Liệt); đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa) và đường Nguyễn Viết Xuân (thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông).
Ngày 5/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến xử lý trách nhiệm khi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Nội đã đội vốn, chậm tiến độ nhiều năm nhưng chưa biết khi nào đưa vào sử dụng và khai thác thương mại.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết về thời gian đưa dự án vào vận hành thương mại, Bộ trưởng không trả lời cụ thể nhưng "cam kết với đại biểu sẽ cố gắng tối đa, nếu chúng tôi không làm hết trách nhiệm thì Chính phủ, cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định của pháp luật".