Việc đóng cửa trường học do đại dịch khiến tình trạng bạo lực trẻ em ngày càng tăng. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe, sự an toàn của trẻ em, ảnh hưởng đến việc học tập, mà còn tác động đến phát triển kinh tế toàn cầu.
Ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, tỷ lệ trẻ em sống trong tình trạng nghèo đói lên đến trên 50% so với trước đại dịch. Nếu tình trạng trường học đóng cửa kéo dài, tỷ lệ này có thể lên tới 70% và việc học từ xa sẽ kém hiệu quả dần theo thời gian.
Mất mát nghiêm trọng trong học tập và bất bình đẳng giáo dục ngày càng trầm trọng sẽ khiến cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hơn. Theo UNESCO, mất cân bằng trong giáo dục còn đang tiêu tốn của các chính phủ 129 tỷ USD mỗi năm.
Trong nghiên cứu về đóng cửa trường học ảnh hướng đến kinh tế vĩ mô của đại học Penn Wharton, tình trạng học tập trực tuyến do đóng cửa trường học sẽ làm giảm 3,6% GDP toàn cầu vào năm 2050. Điển hình như ở Mỹ, việc đóng cửa trường học kéo dài sẽ tiêu tốn khoảng 75 tỷ USD và khiến cho tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Ngoài ra, nghiên cứu còn cho biết, nhóm dân số học lớp 1 – 12 bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đóng cửa trường học trong đại dịch sẽ lớn lên, chiếm tỷ trọng lớn hơn trong lực lượng lao động. Việc đóng cửa trường học kéo dài khiến cho năng suất lao động của nhóm đối tượng này bị giảm. Năng suất lao động giảm kéo theo tiền lương và tăng trưởng kinh tế giảm.
Báo cáo mới nhất của UNESCO có nhận định tương tự, tham gia học trực tiếp tăng lên sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn.
Theo trang CNBC, gián đoạn học tập có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế. Vào năm 2045, khi nhóm học sinh đang phải chịu tình trạng học trực tuyến do đóng cửa trường học sẽ đến độ tuổi 29 – 39, thời kỳ đỉnh cao về tiềm năng kiếm tiền. Nhóm đối tượng này có thể sẽ phải nhận mức thu nhập thấp hơn khoảng 3% trong suốt cuộc đời.
Để giải quyết vấn đề trong lĩnh vực Giáo dục, nước Mỹ đã chi ra 130 tỷ USD để mở cửa lại các trường học một cách an toàn.
Tai Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định rằng ngành Giáo dục cũng đã gặp nhiều khó khăn thách thức do đại dịch Covid-19. Năm 2021, Chính phủ đã thực hiện các chương trình hỗ trợ cho ngành Giáo dục quốc gia với kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Các chương trình này được xây dựng và triển khai thần tốc để giảm thiểu tác hại của dịch bệnh tới Giáo dục.
Cụ thể, vì thế hệ tương lai sẽ tạo ra sự phát triển mới cho kinh tế nước nhà, chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã huy động ủng hộ được hơn 1 triệu máy tính với tổng trị giá khoảng 2.575 tỷ đồng. Hiện tại, Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của thế giới với phương châm "Sống chung mới với Covid" và đẩy nhanh tiến độ mở cửa trường học an toàn.