Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa giao Cục Hàng không Việt Nam (VN) nghiên cứu, đề xuất thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại, đầu tư trên cơ sở song phương. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không VN nghiên cứu, báo cáo lại Bộ việc nối lại một số đường bay quốc tế trên cơ sở song phương trước ngày 10-6 để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện Cục Hàng không VN cho biết hiện nay Cục vẫn đang nghiên cứu, theo sát tình hình khu vực và thế giới để có những đề xuất phù hợp.
Được biết, các hãng hàng không trong nước đều sẵn sàng bay quốc tế như thời điểm trước dịch. Cục Hàng không VN cũng đã tiếp nhận đề nghị của nhiều hãng hàng không Đài Loan và Hàn Quốc muốn được bay đến Việt Nam. Cục Hàng không VN đã có kế hoạch nối lại các đường bay, song việc này phụ thuộc vào đánh giá tình hình dịch bệnh tại các quốc gia. Sau khi Cục làm đánh giá sẽ báo cáo lên Bộ GTVT và các Bộ Ngoại giao, Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid -19 sẽ phải làm việc rất chặt chẽ về vấn đề này, đánh giá và quyết định thời điểm cho mở đường bay nào.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông thương hiệu của Vietnam Airlines, cho biết Cục Hàng không VN chưa làm việc với hãng về việc nghiên cứu nối lại một số đường bay quốc tế. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, hãng hàng không đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc này từ cách đây 2 tháng. Kể cả đang trong thời điểm dịch Covid-19, các kế hoạch và hoạt động chuẩn bị cho việc bay quốc tế vẫn phải sẵn sàng. Lý do là bởi sau dịch, những yêu cầu chắc chắn của việc phục hồi kinh tế, phục hồi du lịch là không thể chậm trễ. Bên cạnh đó, là xuất phát từ yêu cầu nội bộ của hãng hàng không. Dịch Covid-19 khiến ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng bị thiệt hại nặng nề, nên khi thị trường cho phép, Chính phủ đồng ý thì phải bay ngay để có doanh thu.
"Từ cách đây 2 tháng, Vietnam Airlines đã lập tổ chuyên trách của từng khu vực, thị trường, đường bay để chuẩn bị về nguồn lực, tổ bay, tiếp viên, các chính sách thương mại… tất cả phải sẵn sàng để chờ khi nào Chính phủ "phát lệnh" là xuất phát luôn"- ông Tuấn chia sẻ.
Đại diện hãng hàng không cũng khẳng định về phía hãng, luôn sẵn sàng cho tất cả các đường bay, "khi nào Chính phủ mở đường nào là bay đường đó, kể cả những thị trường rất khó khăn, khi Chính phủ hai nước quyết định mở lại đường bay, hãng sẽ vẫn triển khai những giải pháp để bay: Kích cầu, chiến dịch quảng cáo, truyền thông du lịch".
Được biết, trong tháng 6, Vietnam Airlines sẽ mở lại chuyến bay giữa TP HCM/ Hà Nội đến Incheon (Hàn Quốc) với tần suất 4 chuyến/tuần. Đây là những chuyến bay thương mại nhưng chỉ khai thác một chiều từ Việt Nam, mức giá dao động từ 195 USD - 600 USD/ vé. Chiều từ Hàn Quốc về sẽ không chở khách theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam. Hành khách có thể transit (quá cảnh) tại Incheon để đi đến một số thành phố của Mỹ.
Vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, cũng tái khẳng định mục tiêu sẽ tăng gần gấp đôi số đường bay nội địa, lên con số 60 đường bay cho đến hết năm 2020, và tăng số đường bay quốc tế từ 6 đường bay lên 25. Trong đó, dự kiến đường bay Mỹ sẽ được tái khởi động vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Tại cuộc tọa đàm về kích cầu du lịch sau Covid-19 mới đây, một số chuyên gia hàng không và du lịch đề xuất nối lại các chuyến bay quốc tế trên cơ sở song phương với những quốc gia có công tác chống dịch tốt như Úc, New Zealand. Ngoài ra, một thị trường cũng được đánh giá khả quan là Đài Loan (Trung Quốc) đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Đó có thể là một cơ hội nếu Chính phủ đánh giá Đài Loan đã kiểm soát dịch bệnh tốt, hai bên có thể mở được đường bay. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tương tự.
Theo đánh giá của một chuyên gia hàng không, thị trường vừa qua đã nén lại một thời gian, bản thân các thị trường đó cũng có nhu cầu nối lại giao thương để phục hồi kinh tế: Du lịch, hoạt động của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhiều chuyên gia đang mắc kẹt… Tuy nhiên, việc nối lại đường bay quốc tế không phải là câu chuyện về thị trường, mà là về mặt kiểm soát dịch bệnh và cả mặt ngoại giao.
Nhu cầu nối lại các đường bay cao, song việc nối lại một số đường bay quốc tế sẽ được thực hiện từng bước, trên cơ sở song phương. Thủ tướng đã yêu cầu ngành du lịch, ngoại giao tiếp tục thúc đẩy, chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế, trước hết là một số đối tác đã ngăn ngừa được dịch bệnh tốt trong thời gian qua. Tại cuộc họp ngày 28-5, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 thống nhất trước mắt, Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế; chỉ mở cửa đón khách quốc tế với công dân các nước trong vòng ít nhất 30 ngày không phát hiện ca nhiễm mới.
Tại các cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, các hãng thông tấn, báo chí rất quan tâm đến thời điểm Việt Nam sẽ nới lỏng xuất nhập cảnh, mở lại đường bay quốc tế. Bộ Ngoại giao khẳng định thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cơ quan liên quan đang nghiên cứu để đề xuất, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay, phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại và đầu tư, phù hợp với tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới.