Bộ Tài chính đang xem xét kiến nghị bổ sung quy định chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát giao dịch, quản lý thuế.
Việc thực hiện giao dịch qua ngân hàng, theo Bộ Tài chính, giúp minh bạch kiểm soát giao dịch của các ngành, phục vụ quản lý giao dịch tài sản, bất động sản và quản lý thuế nói riêng.
Đây được xem là một trong các giải pháp để quản lý thuế với hoạt động chuyển nhượng bất động sản hiệu quả trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất rà soát các quy định về chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi nhằm thống nhất, đồng bộ.
Việc này xuất phát từ nhiều giao dịch kê khai giá rất thấp với thực tế để né thuế, Bộ Tài chính đã siết chặt thu thuế. Nhưng quá trình này đang phát sinh nhiều bất cập khiến cả người dân và cán bộ thuế lúng túng với việc "xác định giá đúng".
Trước đề xuất trên, trao đổi với chúng tôi ngày 6/6, bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, bà đồng tình với đề xuất thanh toán thông qua ngân hàng trong các giao dịch chuyển nhượng bất động sản.
Theo đó, các bên tham gia vào giao dịch và ngân hàng có thể lập hợp đồng 3 bên nhằm tín nhiệm tài sản của bên bán và xác nhận tài chính của bên mua, áp dụng cả khi các bên có nhu cầu hoặc không có nhu cầu vay vốn từ ngân hàng.
Mặt khác, việc này giúp bảo đảm an toàn cho cả người mua và người bán khi có thể lưu được bằng chứng giao dịch. Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, các giao dịch được thực hiện thông qua ngân hàng sẽ dễ dàng kiểm soát được mức bằng hoặc gần bằng giá trị của giao dịch, truy xuất và thu được thuế theo đúng quy định.
Đề xuất này cũng rất phù hợp trong bối cảnh các quốc gia trưởng thành hơn đã áp dụng quy định này từ lâu và có những kết quả tích cực, điển hình là tại Mỹ hay Úc, các giao dịch bất động sản phải thực hiện công khai qua đơn vị môi giới và thanh toán qua ngân hàng.
Theo Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, việc không sử dụng tiền mặt để hỗ trợ Nhà nước chống thất thoát thuế là có khả thi. Tuy nhiên, việc thay đổi này không thể diễn ra trong ‘một sớm một chiều’, bởi lẽ văn hóa sử dụng tiền mặt của nước ta còn rất phổ biến, đặc biệt là các khu vực lân cận đô thị và nông thôn.
"Mặc dù là một đề xuất rất phù hợp, nhưng để triển khai thanh toán mua bán chỉ qua ngân hàng cần có lộ trình phù hợp để thị trường tiếp nhận quan niệm mới và nhìn thấy được lợi ích của việc thay đổi này. Và chắc chắn không thể thiếu sự tham gia đồng bộ của các cơ quan, ban ngành phối hợp cùng với các văn phòng công chứng và ngân hàng", bà Trang nhấn mạnh.