Một kết quả khảo sát thực hiện từ tháng 4 – 8.2017 vừa qua của Viện Pasteur cho thấy 150/150 mẫu (100%) thịt gà, vịt, heo tươi bán ở chợ TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước nhiễm vi khuẩn E.Coli vượt giới hạn cho phép.
Thịt heo bày bán tại các chợ truyền thống
PGS.TS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, cho hay, số mẫu nghiên cứu thịt và thủy hải sản mà nhóm nghiên cứu lấy để kiểm nghiệm là triển khai việc giám sát chủ động, tập trung chủ yếu vào những cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống ở các địa phương kể trên. Đặc biệt, những cơ sở lấy mẫu có nghi ngờ về điều kiện vệ sinh, nguy cơ cao về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này không mang tính đại diện cho tất cả các chợ của 5 địa phương mà nhóm nghiên cứu lấy mẫu. Vì như tại TP.HCM và các thành phố lớn khác, nhiều sạp chợ đã được cải thiện tốt, sử dụng dụng cụ hiện đại… thì nguy cơ lây nhiễm E.Coli ít hơn.
Dù vậy, ông Lân cho rằng kết quả nghiên cứu này cũng là thông tin để các nhà quản lý có các hoạt động can thiệp mạnh hơn vào hoạt động kinh doanh thực phẩm ở các chợ truyền thống, đặc biệt là khâu phân phối, lưu thông trong các buổi chợ.
Cũng theo PGS.TS. Phan Trọng Lân, người tiêu dùng không nên quá hoảng loạn, vì khi thực phẩm bị nhiễm E.Coli được nấu sôi ở nhiệt độ trên 70oC thì các nguy cơ gây hại của khuẩn E.Coli cũng bị tiêu diệt. Do đó, nếu người tiêu dùng thực hiện “ăn chín uống sôi”, bảo quản thực phẩm cẩn thận… thì cũng không bị nguy hại cho sức khỏe.
Còn theo ông Tsàn A Sìn - Phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), với khí hậu nhiệt đới, nóng như ở TP. HCM và các tỉnh phía Nam, nhiều chủng vi khuẩn, vi trùng… rất dễ lây lan, phát triển. Đặc biệt, việc chuyển thực phẩm từ môi trường lạnh sang môi trường nóng tại các chợ truyền thống càng tạo điều kiện thuận lợi cho khuẩn E.coli phát triển.
Tương tự, hải sản ở chợ đa số là hải sản tươi sống, tiểu thương gần như không bảo quản gì mà còn phơi nắng cả ngày, dùng đi dùng lại một nguồn nước nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.
Đánh giá về thông tin 100% mẫu thực phẩm nhiễm khuẩn E.coli, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng kết quả này gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm tại các tỉnh, thành hiện nay.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra này chưa đủ để đưa ra kết luận rằng toàn bộ thực phẩm tươi sống của 5 địa phương này đều nhiễm E.coli và không an toàn. Theo bà, thực phẩm nhiễm khuẩn E.coli chủ yếu do khâu giết mổ gia súc, gia cầm, lưu thông và phân phối chưa an toàn. Đặc biệt là trong quá trình bảo quản, lưu thông, các tiểu thương sử dụng nguồn nước, dụng cụ không an toàn…
Do đó, trong thời gian tới, TP.HCM cần chấn chỉnh khâu giết mổ gia súc, gia cầm, lưu thông và phân phối thực phẩm tươi sống, bỏ hoàn toàn các lò mổ thủ công, xóa chợ tạm, xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm.
Các chuyên gia cho rằng, khâu lưu thông, phân phối thực phẩm tại chợ truyền thống là công đoạn khiến khuẩn E.Coli dễ dàng lây nhiễm, phát tán.
Qua khảo sát thực tế, Ban Quản lý ATTP TP.HCM cho rằng các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, bán thực phẩm ở chợ chỉ có một xô nước rửa sử dụng từ sáng sớm đến cuối buổi kinh doanh là không đảm bảo ATTP, là nguồn lây nhiễm vi khuẩn các loại. Do đó, Ban ATTP đề xuất hỗ trợ bà con nước sạch để phục vụ kinh doanh.
“Có thể theo hình thức đầu tư một xe bồn nước rồi theo định kỳ cung cấp nước sạch cho bà con, hạn chế tình trạng nhiễm vi sinh, vi khuẩn do sử dụng nước không đảm bảo. Ngoài ra, Ban và các địa phương sẽ hỗ trợ hết mức cho bà con, qua đó, hạn chế tối đa tình trạng mất vệ sinh ATTP đối với thức ăn đường phố như tài trợ bao tay, kẹp gắp thức ăn, muỗng nĩa dùng một lần…”, bà Lan đề xuất.
Bà Lan cũng khuyến cáo, người dân cần mua thực phẩm ở những cửa hàng phân phối an toàn, những cơ sở có bảo quản lạnh, có tủ mát… Tại chợ truyền thống, sử dụng bàn inox, vệ sinh sạch sẽ trước và sau phiên chợ để hạn chế việc lây nhiễm vi khuẩn các loại.
Tràn lan sữa Pháp nghi nhiễm khuẩn Salmonella tại thị trường Việt Nam Hãng sản xuất sữa Lactalis của Pháp vừa tuyên bố thu hồi sản phẩm trên toàn cầu, do lo ngại tình trạng nhiễm khuẩn Salmonella trong gần 7.000 tấn nguyên liệu sữa đã xuất xưởng của hãng. Trong số các sản phẩm thu hồi, có cả sữa Celia bán rất nhiều tại Việt Nam. Tại trang mua sắm trực tuyến Adayroi.com, người tiêu dùng dễ dàng tìm sản phẩm sữa dành cho trẻ em hiệu Picot của công ty Lactalis. Đại diện đơn vị phân phối, Công ty TNHH TM-DV-XNK NUTRI Miền Nam (P. Tân Hưng Thuận, Q.12), cho biết, sữa Celia Mama dành cho mẹ bầu và mẹ cho con bú, giá 252.000 đồng/hộp, nhập khẩu chính hãng và được rất nhiều bà mẹ sử dụng. Hay tại các website bán hàng dành cho mẹ và bé như Tuticare, Bibomart, Kid Plaza… đều quảng cáo rất nhiều sản phẩm sữa hiệu Lactalis của Pháp với nhiều công dụng, tính năng tốt dành cho trẻ. Tuy nhiên, hiện tại, phần lớn các sản phẩm này đều đã được “xuống sạp” nhằm tránh bị các cơ quan chức năng kiểm tra, thu hồi. Dầu vậy, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho rằng, hiện Chi cục này chưa nắm được thông tin các sản phẩm sữa Lactilis của Pháp bị thu hồi vì nghi nhiễm khuẩn Salmonella. Việc kiểm tra các mặt hàng nhập khẩu, kể cả sữa bán tại các cửa hàng ở TPHCM được tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bán online thì lại… rất khó quản lý. |