Dưới tác động lớn của đợt dịch lần thứ 4, kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng do việc giãn cách và tạm ngừng sản xuất trong một thời gian dài. Điều đó đã dẫn đến nhiều tổ chức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Mới đây nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ tăng trưởng GDP dự kiến của Việt Nam xuống còn 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. Cuối tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam còn 4,8%.
3 giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế
Tại buổi Tọa đàm, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh các yếu tổ có ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay và các năm tới bao gồm: khả năng kiểm soát dịch, tiến độ giải ngân đầu tư công, khả năng bảo đảm phục hồi sản xuất, khả năng bắt nhịp thực hiện một chương trình sâu rộng về phục hồi và phát triển kinh tế, khả năng tận dụng cơ hội từ đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Theo đó, bà Minh cũng nêu 3 giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế được kiến nghị bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế . Nội dung và thời gian của ba giai đoạn được trình bày như sau:
Giai đoạn 1 (từ nay đến quý I/2022): Việt Nam ưu tiên phòng chống dịch Covid-19 và kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 2 (hết quý I/2022 đến hết 2023): Sau khi kiểm soát dịch Covid-19, Việt Nam sẽ tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, song song đó tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 3 (sau 2023): bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, cũng như hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.
Các chuyên gia kinh tế nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến cho Việt Nam. Nguồn: Quochoi.vn
4 bài học kinh nghiệm WB đề xuất cho Việt Nam
Tại buổi Tọa đàm, đại diện của WB đã đề xuất 4 bài học giúp Việt Nam thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và sớm đi vào trạng thái bình thường mới. Thứ nhất, tiêm chủng cũng như xét nghiệm sẽ đóng vai trò quan trọng để kiểm soát dịch và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Thứ hai, Việt Nam cần có những hạn chế đi lại nhưng phải thông minh hơn. Thứ ba, nước ta cũng cần tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Cuối cùng, trợ giúp xã hội cần được tăng cường để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương,cũng như hạn chế gia tăng bất bình đẳng.
Để tăng cường được khả năng phục hồi, Đại diện của WB nhấn mạnh Việt Nam cần thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt. Những khuyến nghị của WB với Việt Nam bao gồm việc cung cấp thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội.
Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng một cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số, nhằm nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương. Hơn nữa, việc mở rộng quy mô thanh toán điện tử cũng cần được thực hiện, nhằm tiếp cận những người thụ hưởng đã được xác định một cách hiệu quả.