Tại toạ đàm “Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp” sáng 5/10 do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, Nghị quyết số 98 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 10 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân mới triển khai 1 năm, thời gian chuẩn bị có thể đến 6-7 tháng, do đó kết quả chưa có để nói nhiều.
“Chúng ta phải đánh giá lại vai trò kinh tế tư nhân vì con số thống kê khu vực kinh tế tư nhân chính thức đóng góp 9% GDP và con số 7-9% kéo dài từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay, đặc biệt từ năm 2000 khi nhìn thấy sự bùng nổ kinh tế tư nhân tăng 1 điểm % GDP và tôi hoàn toàn nghi ngờ con số này, tôi cho rằng không chính xác”, ông Cung nói. Theo đó, Viện trưởng CIEM cho rằng, con số thực tế có thể lên đến 30%.
Ông Cung cho biết, khu vực này so với yêu cầu của nền kinh tế thị trường, tư nhân đáng ra phải lớn và lớn hơn nhiều. Vấn đề ở chỗ tại sao kinh tế tư nhân vẫn nhỏ? Từ năm 1991 Luật Doanh nghiệp tư nhân thừa nhận sự tồn tại của kinh tế tư nhân Việt Nam mới xuất hiện 4 tỷ phú USD, doanh nghiệp to ở Việt Nam nhưng nhỏ so với thế giới, chưa doanh nghiệp nào ngấp nghé ở top doanh nghiệp hàng đầu.
“Không lớn được vì sao?”, ông Cung đặt câu hỏi và lý giải do Việt Nam không có sự an toàn cho hoạt động doanh nghiệp, môi trường kinh doanh rủi ro về mặt thể chế. Đáng lẽ doanh nhân chỉ đối diện với rủi ro thương trường nhưng ở Việt Nam đối diện với cả rủi ro pháp lý.
“Hệ thống pháp luật không cụ thể, rõ ràng, minh bạch và chính vì vậy cùng sự áp dụng tuỳ tiện, sáng đúng chiều sai, sáng mai lại đúng, doanh nhân đối mặt với điều này không tính toán được lâu dài nên cách làm của họ là nhỏ và không lớn, không chính thức. Càng chính thức ở Việt Nam càng đối diện với rủi ro vì sự thanh tra, kiểm tra”, ông Cung nói.
Thứ 2, theo ông Cung, toà án, nơi cung cấp dịch vụ công lý, doanh nghiệp tìm cách giải quyết tranh chấp nhưng hiện chưa phải địa chỉ đáp ứng được nhu cầu này của doanh nghiệp.
Ông Cung cũng đề cập đến những doanh nghiệp muốn lớn nhưng không lớn được. Muốn lớn nhanh phải huy động nguồn lực xã hội nhưng ở Việt Nam vẫn còn tình trạng phân bổ nguồn lực theo hướng xin cho.
Cũng theo ông Cung, kinh tế tư nhân năng động, sáng tạo nhưng có những doanh nghiệp tìm kiếm “thẻ xanh, thẻ vàng”. Đến mức nào đó họ dừng và điển hình nhất trường hợp này là xúc xích Đức Việt, ông Mai Huy Tân, một người tâm huyết nhưng đến mức đó phải dừng.
Kinh tế tư nhân đang trên đà tăng trưởng
Phát biểu tại toạ đàm, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, kinh tế tư nhân đang trên đà tăng trưởng, số doanh nghiệp mới thành lập năm sau nhiều hơn năm trước, số vốn của người dân đưa vào kinh doanh hàng triệu tỷ đồng mỗi năm.
Doanh nghiệp khởi nghiệp đang là trào lưu sôi động thu hút hàng vạn lớp người trẻ tuổi có ý chí, có hoài bão, có sức sáng tạo dám nghĩ, dám làm; mặc dù tỷ lệ thất bại không nhỏ, nhưng số người trẻ thành đạt ngày càng nhiều, báo hiệu xu thế mới của kinh tế tư nhân nước ta.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô ngày càng lớn hơn, kinh doanh đa dạng hơn, đa số coi trọng kinh doanh gắn với sáng tạo, năng động đang và sẽ là bộ phận đông đảo và quan trọng nhất của đội ngũ doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp lớn, bao gồm hàng nghìn tập đoàn kinh tế đã khẳng định vị thế trên thương trường, một số đã được xếp hạng cao trong khu vực và trên thế giới, là lực lượng tiên phong trong kinh doanh thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
“Tiềm năng lớn của kinh tế tư nhân cần được khai thác có hiệu quả bằng hệ sinh thái thuận lợi với hành lang pháp lý thông thoáng. Cơ hội mới sẽ được tận dụng đối với những doanh nghiệp lấy đổi mới, sáng tạo, làm khác trước, khác với mọi người; nếu “lạc nhịp” sẽ không thể thành công được”. ông Mại nói.