Hỗ trợ là cần thiết nhưng tư duy phải đúng
Theo Viện trưởng CIEM, trong các quý tiếp theo, kinh tế Việt Nam được dự báo có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường.
Bà nhấn mạnh: Nếu không tháo gỡ khó khăn kịp thời, phù hợp, một bộ phận doanh nghiệp khó có thể trụ vững cho đến khi hết dịch. Khi ấy, sức sống và khả năng tận dụng các cơ hội trong điều kiện bình thường (từ các FTA, Cách mạng Công nghiệp 4.0...) của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng đáng kể. Một hệ lụy khác kèm theo là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hồng Minh, dù việc hỗ trợ cho nền kinh tế là cần thiết nhưng tư duy hỗ trợ cần bảo đảm kịp thời, tập trung, và đúng liều lượng.
"Hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động và người dân sẽ giảm bớt nếu các gói hỗ trợ chậm đi vào cuộc sống hoặc đòi hỏi quá nhiều thủ tục, giấy tờ", bà nói.
Bên cạnh đó, bà lưu ý các gói hỗ trợ cần bảo đảm tập trung, để vừa hỗ trợ vừa tạo tác động lan tỏa, tránh trùng lắp nhau.
"Bối cảnh lạm phát cao và tăng trưởng thấp cũng đòi hỏi lưu lượng hỗ trợ phải ở liều lượng hợp lý, bởi hỗ trợ quá mức có thể làm tăng áp lực lạm phát, và hỗ trợ quá ít thì không đủ tác động thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh", bà nói
Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có thể còn những diễn biến phức tạp, dịch bệnh chỉ là một tác nhân, các giải pháp chính sách ứng phó với tình hình cần đảm bảo sự thận trọng cần thiết nhằm giữ được dư địa chính sách cần thiết để vận dụng trong các kịch bản kinh tế trong tương lai.
Do đó, việc cân nhắc thực hiện và theo dõi thực hiện các gói, biện pháp hỗ trợ càng phải dựa trên cơ sở cân nhắc rộng hơn các kịch bản diễn biến kinh tế và tương tác giữa chính sách của các nền kinh tế chủ chốt.
Hơn nữa, Việt Nam cũng cần tư duy cụ thể hơn về các chính sách, biện pháp kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19.
Cụ thể như ổn định kinh tế vĩ mô có ý nghĩa quan trọng để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư và người dân, đồng thời tạo thuận lợi cho cải cách kinh tế. Cải cách nền tảng kinh tế vi mô hướng kinh tế thị trường là một yêu cầu cần thiết, và vẫn cần duy trì đà thực hiện.
Đặc biệt, theo bà Minh, việc đón đầu sự dịch chuyển của chuỗi giá trị là rất cần thiết, song cần xử lý hài hòa để vừa giữ ổn định tâm lý nhà đầu tư nước ngoài vừa giảm được sự phụ thuộc vào một/một vài thị trường.
8 đề xuất về chính sách cho Việt Nam
Dựa trên những cơ sở đó, Viện trưởng CIEM đưa ra 8 hướng tiếp cận của chính sách.
Thứ nhất là thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, cập nhật các kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô. Lưu tâm hơn đến đánh giá thiệt hại từ Covid-19 trên nhiều phương diện để từ đó xác định chính sách và liều lượng phù hợp.
Thứ hai, thực thi các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 một cách quyết liệt đi đôi với củng cố niềm tin xã hội, tạo sự đồng thuận của người dân.
Thứ ba, thực thi các chính sách tài khóa nới lỏng có kiểm soát, đồng bộ và phối hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích.
Đồng thời tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thứ tư, nghiên cứu, thực hiện các chính sách, biện pháp giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (đặc biệt liên quan đến thuế, phí, giá điện, giá nước, BHXH…), tăng cường kỷ luật, xử lý kỷ luật để loại bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách đầy đủ, hiệu quả nhằm tạo sức bật cho nền kinh tế trong năm 2020 và các năm tiếp theo, đồng thời tạo áp lực cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn vốn công.
Thứ sáu, nghiên cứu định hướng và các giải pháp mạnh mẽ để cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu. Điều này đòi hỏi phải có chính sách công nghiệp đủ tập trung và khả thi, tư duy lại về chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội từ dịch chuyển chuỗi giá trị khỏi Trung Quốc, kết hợp với thực thi hiệu quả các FTA, đặc biệt là CPTPP, EVFTA.
Thứ bảy, nghiên cứu các chính sách, giải pháp nhằm phát triển kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19, trong đó có các yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng các các cơ hội phát triển từ ứng dụng những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0, các cơ hội kinh doanh…
Thứ tám, tổ chức thực hiện hiệu quả, tập trung các biện pháp an sinh xã hội; thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình an sinh xã hội và các biện pháp hỗ trợ để có điều chỉnh phù hợp.