Cắt giảm điều kiện kinh doanh không đạt yêu cầu
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kết quả bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh hiện nay chưa đạt yêu cầu của Chính phủ. Theo đó, chỉ 50% số điều kiện kinh doanh được các bộ ngành xem xét. Trong đó, khoảng 50% được bãi bỏ, sửa đổi và bổ sung.
"Chúng tôi đã đánh giá mức độ của việc bãi bỏ, sửa đổi điều kiện kinh doanh theo 3 mức độ: tác động tốt, tác động trung bình, ít tác động. Kết quả chỉ ra rằng, rất nhiều điều kiện kinh doanh được lược bỏ nhưng không có tác dụng nhiều, như quy định người hành nghề phải có đủ năng lực hành vi. Đây là điều gần như hiển nhiên, nên việc bỏ quy định chẳng có nhiều tác dụng" – ông Phan Đức Hiếu nói.
Trong khi đó, nhiều điều kiện kinh doanh được được nhóm với nhau và lồng ghép trong quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia. Nhiều quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó tiên liệu, và tạo rủi ro cho doanh nghiệp; chứng chỉ hành nghề chỉ do các cơ quan quản lý nhà nước cấp tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực (nhất là trong lĩnh vực xây dựng); mở rộng thêm các quy định về điều kiện doanh doanh trong thủ tục hồ sơ.
"Điều kiện kinh doanh đang được lồng ghép vào Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Việc sửa đổi nhằm tránh gây sự chú ý chứ không nhằm vào mục đích nào cả. Ví dụ như bỏ tên bộ ngành trong câu văn, nhưng về quản lý nhà nước thì chỉ có bộ đó quản lý lĩnh vực được nêu trong văn bản" - bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) nêu quan điểm.
Các chuyên gia của CIEM khẳng định, điều kiện kinh doanh chỉ là biểu hiện của một vấn đề lớn hơn – chất lượng văn bản pháp luật. Bởi lẽ, các vấn đề nêu trên đều được phát hiện trong các văn bản dưới luật. Điều này cho thấy văn bản luật pháp còn thiếu chặt chẽ và không có cơ chế bảo đảm thực thi đầy đủ.
Cần có cơ quan xem xét chất lượng văn bản pháp luật
Bình luận về kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Lê Đăng Doanh nhận định rằng, doanh nghiệp đang bị áp đặt phải hành động theo tư duy quản lý cũ. Mặc dù việc xây dựng Chính phủ điện tử đã được nhiều năm, nhưng nhiều thủ tục vẫn yêu cầu chủ doanh nghiệp phải gặp gỡ trực tiếp với công chức nhà nước, khiến nảy sinh rất nhiều hành vi tiêu cực.
Ông Lê Đăng Doanh
"Có một số doanh nghiệp xác nhận với tôi là số điều kiện kinh doanh có giảm và được thực hiện qua mạng. Nhưng vẫn có khâu phải tiếp xúc giữa người với người. Lúc đó, phong bì nhẹ thì chờ 3 tháng, phong bì đủ nặng thì chiều đến lấy hồ sơ. Trước đây phong bì 200.000-500.000 đồng còn được chấp nhận, giờ thì chẳng còn ý nghĩa gì" – ông Lê Đăng Doanh kể lại.
Theo ông ông Doanh, cần có một "bộ lọc" các văn bản pháp luật. Việc này nhằm tránh tình trạng lồng ghép thêm điều kiện kinh doanh trong các văn bản mới ban hành. Đồng thời cũng giúp các bộ ngành nâng cao trách nhiệm giải trình của mình đối với văn bản do cơ quan đó đề xuất.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhấn mạnh, chỉ khi tách chức năng ban hành văn bản với việc cấp phép thì điều kiện kinh doanh mới giảm bớt. Thực tế này đã được chứng minh ở một bộ, khi nhiệm vụ rà soát văn bản sửa đổi điều kiện kinh doanh được giao cho Vụ pháp chế - đơn vị không có chức năng cấp phép.
"Cũng đã có ý kiến cho rằng điều kiện kinh doanh ở Việt Nam chưa nhiều và số quy định của nhiều nước còn lớn hơn. Nhưng vấn đề là họ có chuẩn mực, trình tự xin phép rõ ràng. Điều cần làm đầu tiên là phải có cơ quan thuộc Chính phủ rà soát và chuẩn hóa các quy định… Ví dụ như công dân Singapore có thể thực hiện hơn 100.000 thủ tục trên website. Công dân giao tiếp với Chính phủ trên mạng rất minh bạch, thời gian làm việc của cơ quan nhà nước cũng dài hơn, xử lý được nhiều thủ tục hơn. Về lâu dài, Việt Nam cần chuẩn hóa và có một cổng giao tiếp như vậy" – ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ mong muốn.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung khẳng đinh, nhu cầu thiết lập một "bộ lọc" đối với văn bản pháp luật là chính đáng, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa làm được. Bộ lọc này là tập hợp gồm nhiều cơ quan, trong đó có một cơ quan trực tiếp trực thuộc Chính phủ. Cơ quan này đóng vai trò độc lập, thẩm định tất cả các văn bản pháp luật và không chịu chi phối bởi bất kỳ bộ ngành quản lý nhà nước nào, không điều hành doanh nghiệp, không cấp phép kinh doanh. Để cơ quan này hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần có sự tham gia của các luật sư, chuyên gia độc lập và huy động được nguồn lực bên ngoài cũng tham gia thẩm định luật.