Dự thảo Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính mới đã gây rất nhiều tranh cãi khi đề xuất áp mức thuế suất 0,4% đối với nhà có phần giá trị vượt 700 triệu đồng. Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Mekong về vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về tác động của Thuế tài sản vừa được Bộ Tài chính trình ra?
Trước hết, về mặt tích cực, Thuế tài sản, như đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra nhằm mục đích đánh vào tầng lớp có mức thu nhập cao trong xã hội. Như vậy, nếu được thực thi tốt, thuế này phần nào là công cụ phân bổ lại thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, góp phần làm giảm bất bình đẳng trong xã hội đang ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, thu thuế tài sản sẽ giúp ngân sách Nhà nước tăng nguồn thu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thuế này phải thực hiện như thế nào để đạt được mục tiêu.
Điểm lớn nhất mà phần lớn dư luận trong xã hội hiện nay không đồng tình là Dự thảo Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính là chưa đưa ra được lý giải thuyết phục là tại sao lấy 700 triệu đồng là ngưỡng đánh thuế mà không phải con số khác. Người đóng thuế cần có một lý giải khoa học, thuyết phục.
Tính toán gần đây của Viện Mekong, sử dụng số liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2016 do Tổng cục Thống kê thực hiện, cho thấy 30% hộ gia đình sẽ nằm trong diện đóng thuế này, chủ yếu rơi vào các hộ thành thị (60%). Mức đóng trung bình một hộ gia đình trong diện chịu thuế là 3,9 triệu đồng/năm, chiếm khoảng 2% tổng thu nhập của hộ (một khoản đóng rất lớn đối với các hộ chịu thuế, bằng một nửa các khoản chi cho giáo dục hoặc y tế của hộ).
Mặt khác, thông thường ở các nước, khi người mua nhà vay ngân hàng để chi trả thì toàn bộ các chi phí liên quan đến khoản vay đều được khấu trừ khỏi thuế thu nhập cá nhân để tránh đánh thuế trùng. Ở Việt Nam hiện nay, phần nhiều các hộ khi xây nhà (khu vực nông thôn), hộ mua nhà và căn hộ (khu vực thành thị) đều đi vay (cả người thân và ngân hàng), đôi khi đến 70% (theo các chính sách phổ biến được các chủ đầu tư áp dụng hiện nay) thì việc áp thuế như đề xuất vô tình sẽ khiến người xây/ mua nhà phải đóng một khoản thuế cho phần hiện tại không phải tài sản của họ (đánh thuế vào phần giá trị nhà đang là khoản vay ngân hàng). Như vậy là không đúng.
Ngoài ra hiện nay, loại hình condotel cũng được rất nhiều hộ gia đình đầu tư và việc áp dụng thuế tài sản trên các căn hộ, ngôi nhà của mô hình này cũng không hợp lý vì toàn bộ nguồn thu được từ mô hình này thì chủ đầu tư đã đóng đủ các loại thuế trước khi chia sẻ lợi nhuận cho hộ. Vậy là thuế chồng thuế.
Như vậy đề xuất đánh thuế tài sản như hiện nay, nhiều hộ gia đình không thuộc tầng lớp có thu nhập cao nhưng vẫn phải đóng thuế tài sản. Kết quả là Thuế này không hoàn toàn đánh vào đúng đối tượng. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu sẽ chịu thuế nhiều hơn tầng lớp giàu.
Ông vừa nhắc đến tầng lớp trung lưu phải chịu thuế nhiều hơn tầng lớp giàu. Đây có phải là đối tượng chịu tác động nhiều nhất trong Dự thảo Thuế lần này?
Đúng vậy. Tầng lớp trung lưu, đặc biệt là nhóm mới tham gia vào tầng lớp trung lưu sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì họ thuộc tầng lớp dân số trẻ ở thành thị, phần lớn đang sống trong những khu đô thị mới tại các thành phố lớn ở trong các căn hộ có mức giá thường từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Những người giàu có thể sẽ chịu ít thuế hơn vì họ có nhiều nhà và tài sản nên họ có thể "lách" luật này bằng cách lập công ty, biến những ngôi nhà, căn hộ họ sở hữu thành tài sản công ty.
Trung lưu được xem là tầng lớp cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong tương lai, vậy luật thuế này dường như sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế nói chung?
Đúng vậy. Nếu áp dụng theo cách tính hiện nay của Bộ Tài chính, phần lớn tầng lớp trung lưu bị ảnh hưởng, họ cũng là đối tượng ảnh hưởng lớn nhất khiến số lượng người gia nhập vào tầng lớp này giảm đi, đồng thời, giảm động lực phát triển của tầng lớp này.
Trong khi đó, Việt Nam cần nuôi dưỡng tầng lớp trung lưu vì họ đóng vai trò quan trọng trong mô hình tăng trưởng bền vững và dựa vào tiêu dùng trong nước thay vì dựa vào xuất khẩu như hiện nay.
Thuế và phí có thể sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho các tầng lớp dân cư dẫn đến nguy cơ di cư sang một quốc gia khác mà ở đó thuế không phải là gánh nặng và dịch vụ an sinh xã hội tốt hơn nhiều.
Có vẻ như việc đánh thuế này đang đi ngược với những mục đích ban đầu của nó, trong đó có việc gia tăng nguồn thu?
Ngân sách theo tôi có thể tạm thời tăng trong trung hạn nhưng về lâu về dài nguồn thu ngân sách sẽ ngày càng giảm vì người dân sẽ không có động lực để làm việc và tăng thu nhập cũng như tài sản.
Có thể hiểu rằng Bộ Tài chính đang gặp nhiều áp lực về việc tăng ngân sách tuy nhiên, dường như gốc rễ ở đây là vấn đề chi ngân sách chưa hiệu quả?
Có hai điểm ở đây. Vấn đề chi không hiệu quả là rất rõ ràng rồi. Việc cắt giảm chi tiêu là cần thiết, đặc biệt là chi thường xuyên. Thu ngân sách thực ra năm nào cũng tăng nhưng không lại không đủ bù cho sự gia tăng bất hợp lý của phần chi ngân sách. Do vậy, việc rà soát, đánh giá lại các khoản chi ngân sách là rất cấp thiết để đảm bảo được chi tiêu ngân sách hiệu quả hơn và giảm lãng phí.
Thuế tài sản, như tôi đã nói, bên cạnh việc tính toán lại thuế suất, cần phải nêu rõ mục đích và việc sử dụng phần thu từ thuế này cho mục đích gì. Nếu vì mục đích phân bổ lại thu nhập thì các khoản thu này sẽ phải dành cho việc chi tiêu vào các chương trình phát triển các vùng nghèo, nâng cao chất lượng dịch vụ công như y tế, giáo dục thì người đóng thuế sẽ sẵn lòng đóng thuế hơn nhiều so với việc sử dụng nó cho mục đích chi thường xuyên.
Cuối cùng, ở góc độ cá nhân, ông ủng hộ hay không ủng hộ thu thuế tài sản?
Tôi ủng hộ việc thu thuế này. Nguyên nhân thuế tài sản khá minh bạch, tránh việc trốn tránh nghĩa vụ thuế. Đồng thời, như tôi đã nói nhiều lần ở trên, nó giúp phân phối lại thu nhập, hạn chế việc bất bình đẳng trong xã hội.
Chủ trương là đúng, nhưng đánh thuế như thế nào, đánh vào đối tượng nào, sử dụng tiền thuế vào mục đích gì... cần phải làm rõ. Còn Dự thảo Luật hiện nay chưa làm được điều đấy.
Cảm ơn ông!