Người Việt Nam được vinh danh trên đất Nga
Ngày 21/8, Vingroup đã cho ra mắt Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT). Đây là viện công nghệ đa ngành, chuyên về nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các công nghệ cao thuộc các lĩnh vực năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học, môi trường, cơ điện tử và các công nghệ liên quan đến Công nghệ - Công nghiệp cao. Viện do GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ làm Viện trưởng.
Ông Nguyễn Quốc Sỹ, 51 tuổi, hiện là Trưởng khoa Năng lượng Plasma, trường Đại học Năng lượng Quốc gia Nga (MEI), Giám đốc Phòng thí nghiệm vật lý Plasma. Ông đã có hơn 30 năm gắn bó với nghiên cứu chuyên ngành Vật lý công nghệ Plasma.
Vị GS người Việt này đã có gần 100 công trình nghiên cứu được công bố và đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế... Nhiều công trình nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp đã được ứng dụng trong các lĩnh vực vũ trụ, quân sự, an ninh quốc phòng, kinh tế… Năm 2006, ông được Tổng thống Vladimir Putin, phong tặng giải thưởng Nhà khoa học trẻ.
Ông được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012 và trở thành Viện sỹ Hàn Lâm khoa học Kỹ thuật Điện LB Nga năm 2015 với tỷ lệ phiếu bầu tuyệt đối.
Sự nghiệp của ông tuy chủ yếu tại nước Nga nhưng nhà khoa học này hướng dẫn cho rất nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam theo học tại trường MEI.
Không chỉ truyền dạy kiến thức, ông Sỹ còn tiếp thêm cho các sinh viên niềm đamg mê cháy bỏng đối với khoa học và tinh thần làm việc không biết mệt mỏi. Triết lý làm việc của ông, về sau, được sinh viên ghi nhớ, là "ai cũng chỉ có cùng một quỹ thời gian 24 giờ mỗi ngày, và người nào lao động nhiều hơn, nghiêm túc hơn, người đó sẽ thành công".
Phòng thí nghiệm dang dở, thiếu thốn thì phải tập trung hoàn thiện
Năm 2007, trong một bài phỏng vấn, ông Sỹ đã nhận được câu hỏi thú vị về cách sử dụng khoản tiền thưởng của mình. Theo đó, toàn bộ số tiền 600 ngàn rúp từ giải thưởng cho các nhà khoa học trẻ người Nga, tương đương 23.000 USD, đã được ông tặng cho phòng thí nghiệm mà ông đang công tác, trong khi gia đình ông vẫn phải thuê ký túc xá.
Cười khi nói về vấn đề này, ông cho biết phòng thí nghiệm là nhà của người làm khoa học. Khi phòng thí nghiệm đang dang dở, thiếu thốn thì ông muốn tập trung tiền đó để hoàn thiện.
"Cả người thầy và sinh viên đều rất cần có phòng thí nghiệm để nghiên cứu, ứng dụng những kiến thức mình đang dạy, học, đặc biệt là trong chuyên ngành công nghệ plasma", ông nói.
Trong khi đó, ông cho biết hàng chục năm sống ở Nga, ông đã quen với việc gắn bó với ký túc xá. Ông cũng chia sẻ là may mắn khi được vợ và người thân thấu hiểu.
Từng khẳng mong muốn được cống hiến, mang những nghiên cứu khoa học thành công về phục vụ đất nước, ông Nguyễn Quốc Sỹ khẳng định: "Nếu Việt Nam có ý tưởng phát triển ngành công nghệ plasma thì tôi sẵn sàng phục vụ vô điều kiện". Đến nay, dường như ông đã có thể thực hiện được ước mơ của mình.