Muốn cống hiến, yêu đá bóng... là những điểm chung lớn với ông Phạm Nhật Vượng
GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech đã có cuộc trao đổi với báo chí trong chiều 22/8.
Trước cả khi phóng viên đặt câu hỏi, ông Sỹ mở đầu câu chuyện một cách thoải mái. "17 tuổi tôi rời khỏi Việt Nam, 34 năm sau quay về mọi thứ đã khác hẳn. Điều rõ nét là giờ các bạn trẻ đã thay đổi tư duy nhanh chóng, tích cực chứ không như ngày xưa", ông nói.
Thế giới, theo ông đang thay đổi rất nhanh chóng, với vòng đời của công nghệ đang ngày càng thu ngắn lại, những sản phẩm có khi vừa được đưa ra thị trường, ngay lập tức đã trở nên lạc hậu. Điều này đòi hỏi những người làm khoa học cần thích nghi với đòi hỏi của thị trường, của việc chuyển giao công nghệ.
Bài toán, bước đầu muốn giải được, phụ thuộc vào yếu tố con người. Nhưng từng cá nhân, dù xuất sắc đến đâu cũng là không đủ, ông Sỹ nói và cho biết các cá nhân này cần một sự liên kết mà trong đó, nhấn mạnh đến tình yêu nước. Đó cũng là điểm bắt đầu cho "mối lương duyên" giữa ông và Vingroup.
Rời nước Nga về Việt Nam làm việc, ông Sỹ ngắn gọn lý do của mình là bởi "tấm lòng yêu nước".
Tham gia vào Vingroup, ông cho biết là vì nhìn thấy ở tập đoàn này có môi trường, có điều kiện quan trọng cần thiết để phát huy được công nghệ. Nhiều lần, vị tân Viện trưởng nhắc về hệ sinh thái. Hệ sinh thái ở đây được hiểu là văn hoá làm việc, tính kỷ luật từ lãnh đạo cao nhất đến nhân viên thấp nhất... nghĩa là những thứ tuy vô hình nhưng rất quan trọng đối với người làm khoa học như ông.
"Mong muốn quay trở về nước làm việc của tôi đã có từ lâu rồi. Sự giao nhau giữa tôi và ông Phạm Nhật Vượng là làm ra những thứ cụ thể cống hiến cho đất nước", ông Sỹ nói và cho biết đấy là một phần lý do.
Hơn một lần, vị chuyên gia này nhắc về những điểm ông cho rằng giữa ông và ông Vượng có điểm trùng lặp nhau.
"Tôi và anh Vượng đều là những người yêu thích bóng đá. Lần gần đây nhất chúng tôi nói chuyện là về môn thể thao này. Tôi cũng hẹn có điều kiện sẽ cùng ra sân".
Những điểm giao nhau này khiến ông Sỹ khẳng định mình không mất nhiều thời gian khi quyết định trở về Việt Nam làm toàn thời gian. Trả lời về mức lương ở Vingroup, ông Sỹ không đưa ra con số cụ thể nhưng cho biết là cao hơn mức ở Nga. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh bản thân làm không vì lương. "Nói về quyền lợi cá nhân, đồng lương ở Nga của tôi tương đối cao", ông khẳng định.
Vingroup làm khoa học không phải vì lợi nhuận
Lợi nhuận dù là đích đến của mọi doanh nghiệp nhưng ở thời điểm này, tân Viện trưởng Vin Hi-Tech cho biết ông Phạm Nhật Vượng đang đặt một mục tiêu khác.
Đó là phải giải quyết được những khó khăn, bức xúc trong đời sống xã hội, là những nhiệm vụ cụ thể mà đất nước đang đặt ra về khoa học. Bên cạnh đó, còn là trách nhiệm đào tạo và đào tạo lại một thế hệ các nhà khoa học, kỹ sư mới, đáp ứng đòi hỏi nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
"Dù mới 1 ngày tuổi nhưng hệ thống cán bộ cao cấp của Viện đã được chuẩn bị từ rất lâu rồi", ông tiết lộ.
Bài toán lợi nhuận có thể được tính đến, nhưng là ở thời gian khác, về sau này. Làm khoa học, ông Sỹ khẳng định là không mang lại lợi nhuận nhanh chóng. Bản thân Vingroup cũng tự nhận thấy tiềm lực khoa học công nghệ của tập đoàn đang ở mức khởi đầu khiêm tốn, cần nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau để bứt phá.
Nguyên tắc hoạt động của Viện được ông Sỹ cho biết là sẽ tích hợp giữa việc dùng nguồn lực có sẵn cũng như tổng hợp sức mạnh của nhiều nguồn khác nhau để bù đắp những thiếu sót.
Trả lời cho câu hỏi "Tham vọng của Vingroup đối với khoa học và công nghệ có khả thi hay không?", vị tân Viện trưởng mỉm cười và cho biết "Nếu không có lòng tin thì đừng bắt tay vào làm. Còn chúng tôi có niềm tin rất lớn là thành công".