Tính đến hết năm 2021, kiều bào từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 376 dự án đầu tư về Việt Nam, tại 42/63 tỉnh, thành của cả nước, tập trung chủ yếu vào các ngành chế biến, chế tạo, với số vốn khoảng 1,72 tỷ USD, chưa kể vốn đầu tư của kiều bào về nước qua các hình thức gián tiếp khác, hoặc đầu tư theo hình thức đầu tư trong nước.
Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, các dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về Việt Nam không chỉ tăng về số lượng và quy mô mà còn đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương thông qua tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, tăng nguồn thu ngân sách.
Ông Vũ Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch Đầu tư, đánh giá tại Diễn đàn - Đối thoại với Doanh nhân Kiều bào về Thương mại và Đầu tư mới đây: "Con số này chỉ mang tính tương đối, bởi đây là thống kê theo hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, còn việc đầu tư gián tiếp thông qua kiều hối về Việt Nam, qua người thân ở Việt Nam và qua các hình thức đầu tư trong nước khác là rất lớn".
Theo ông Trung, trung bình mỗi năm, kiều hối về Việt Nam mỗi năm khoảng trên 10 tỷ USD, năm 2021 là khoảng 12,5 tỷ USD. Đây chính là nguồn rất lớn để phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Phó Cục trưởng cũng cho rằng, đầu tư thông qua hình thức FDI của kiều bào nước ngoài về Việt Nam còn hạn chế, đây là điểm cần trao đổi thêm để thúc đẩy đầu tư của doanh nhân gốc Việt.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,3 triệu người, đang sinh sống, làm việc, học tập trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 80% là tại các nước phát triển.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhấn mạnh tại diễn đàn: "Kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại và không đồng đều, tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn, trong đó mới nhất là xung đột tại Ukraine. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trên khu vực về thương mại và đầu tư. Các chỉ số đều được nhà đầu tư quốc tế đánh giá tích cực".
Cùng với sự quyết tâm của Chính phủ trong điều hành kinh tế xã hội, các cơ quan hữu quan, bộ ban ngành và các địa phương, Thứ trưởng hy vọng các tín hiệu tích cực về nền kinh tế cũng sẽ được hiện thực hóa trong năm nay.
Riêng về thương mại, với sự thuận lợi từ thương mại quốc tế, tại các bạn hàng chủ lực của Việt Nam, các thị trường có đông người Việt sinh sống, tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết, nhiều sản phẩm Việt Nam đã được đón nhận tích cực.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu hy vọng trong thời gian tới, cộng đồng kiều bào sẽ tiếp tục phát huy cầu nối, giúp các doanh nghiệp trong nước thâm nhập các thị trường phát triển cao. Thứ trưởng cho rằng, chúng ta còn nhiều cơ hội chưa được khai phá, có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các bộ ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh sự quan tâm của Việt Kiều, chung tay xây dựng môi trường thuận lợi hơn nữa để cộng đồng người Việt ở nước ngoài về hoạt động, đầu tư, sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp, mang những mô hình thành công ở nước ngoài về Việt Nam.