Bloomberg cho biết Thái Lan đang xem xét thông qua một gói ưu đãi gồm cắt giảm thuế, trợ cấp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ xe điện trong giai đoạn 2022-2023.
Nếu như việc ưu đãi cho tiêu thụ xe điện là điều bất kỳ quốc gia nào cũng tiến hành thì các chính sách dành cho nhà sản xuất xe điện của Thái Lan đang thu hút sự chú ý lớn. Ban đầu, các nhà sản xuất EV sẽ được ưu đãi thuế với cả xe nhập khẩu, kéo dài đến năm 2025 với điều kiện từ năm 2025, các công ty đó phải sản xuất một lượng xe bằng hoặc nhiều hơn số lượng xe mà họ đã nhập khẩu trong các năm trước.
Cụ thể, xe điện nhập khẩu nguyên chiếc cũng như xe lắp ráp trong nước sẽ được giảm thuế lên đến 40%, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm từ 8% xuống còn 2%, kèm trợ giá cho việc bán xe điện từ 2.200 USD đến 4.600 USD, tuỳ thuộc loại xe, kiểu xe và dung lượng pin.
Thái Lan đặt mục tiêu sản xuất khoảng 725.000 xe điện vào năm 2030.
Nhiều nhà sản xuất như Toyota, Foxconn, Great Wall Motor đều đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Thái Lan. Chẳng hạn, Foxconn hồi tháng 9/2021 đã ký thoả thuận với PTT PLC của Thái Lan xây dựng nhà máy sản xuất xe điện. Nhà máy này được cho sẽ bắt đầu sản xuất từ năm 2023. Ban đầu, dung lượng của nhà máy sẽ đạt khoảng 50.000 xe, nhưng sẽ tăng lên gấp 3 vào năm 2030.
Theo GlobalData, Thái Lan đã đưa ra nhiều chính sách khiến Foxcomm không thể chối từ. Đồng thời, hãng gia công thiết bị điện tử số một thế giới cũng nhận định đây là nơi lý tưởng để sản xuất xe điện trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang quá phân mảnh, ảnh hưởng đến khả năng kiếm lời của các nhà sản xuất xe điện.
Hãng phân tích này nhận định, đây có thể là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất ô tô Âu Mỹ như Ford và Volkswagen. Ford gần đây đã công bố khoản đầu tư 900 triệu USD vào Thái Lan.
"Thái Lan đã dẫn trước trong cuộc đua xe điện so với các nước ASEAN khác như Indonesia và Malaysia. Các biện pháp khuyến khích đầu tư ban đầu đã mang lại một số khoản đầu tư lớn. Các khoản ưu đãi thậm chí sẽ còn được nâng cao hơn nữa để giữ niềm tin của các nhà sản xuất ở lại Thái Lan", Bakar Sadik Agwan – nhà phân tích cao cấp trong lĩnh vực ô tô của GlobalData cho biết.
"Thị trường xe điện (EV) của Thái Lan hiện đang trong giai đoạn khởi phát với số lượng nhà sản xuất và model xe hạn chế. Môi trường pháp lý thuận lợi tại Thái Lan đã khiến nhiều OME tập trung vào xe điện như Foxconn, Enegry Absolute, Honda, BMW, VW, Nissan và các hãng khác. Những ưu đãi của chính phủ chắc chắn sẽ mang lại những khoản đầu tư mới và người chơi mới trong ngành kinh doanh xe điện tại Thái Lan".
Mục tiêu của Thái Lan là cực kỳ tham vọng. Quốc gia này muốn xe điện chiếm ít nhất 30% tổng sản lượng xe sản xuất trong nước vào năm 2030, tương đương 725.000 xe điện mỗi năm.
Giống với Thái Lan, chính phủ Indonesia đặt mục tiêu xe điện sẽ chiếm 20% lượng xe sản xuất trong nước, tương đương 400.000 xe vào năm 2025. Ngoài ra, với đặc thù người dân ưa chuộng sử dụng xe máy tại Indonesia, chính phủ này cũng đặt mục tiêu tương tự với xe máy điện chiếm 20% tổng lượng xe sản xuất nội địa. Hiện tại, Indonesia có khoảng 15 nhà sản xuất xe máy điện nội địa, công suất 877.000 xe mỗi năm.
Mục tiêu tham vọng này giúp Indonesia đạt được lợi ích kép: giảm phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất pin nội địa đầy tiềm năng.
Đầu tháng 2 vừa qua, Indonesia cũng đạt được thoả thuận quan trọng với Foxconn về việc mở nhà máy sản xuất xe điện và pin tại đây vào quý III năm nay, theo Reuters.
Tận dụng tài nguyên sẵn có, Indonesia đang kêu gọi các nhà sản xuất đầu tư vào nước này để tạo dựng hệ sinh thái xe điện.
Cụ thể, hãng sản xuất iPhone này sẽ xây một nhà máy diện tích 200 ha tại khu công nghiệp Batang để sản xuất cell pin, nguyên liệu pin, các linh kiện viễn thông cũng như xe điện, theo Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia.
Vị Bộ trưởng này cho biết khoản đầu tư có thể lên đến 8 tỷ USD mặc dù đại diện Foxconn khẳng định rằng đây là con số tổng đầu tư của 5 đơn vị trong mối quan hệ hợp tác lần này, không phải của riêng Foxconn.
Với Indonesia, rõ ràng quốc đảo này muốn tận dụng nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú của mình với trữ lượng nikel lớn nhất thế giới cùng nhiều kim loại quan trọng để sản xuất pin xe điện như Cobalt, kẽm hay mangan.
Để "kéo" các nhà sản xuất xe điện cũng như phụ tùng đến đây, Indonesia cũng đã thắt chặt hơn các chính sách xuất khẩu khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản thô.
Nước này cũng đã ban hành các chính sách như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp sản xuất xe điện, pin động cơ điện hay bộ điều khiển năng lượng điện. Tuỳ thuộc vào giá trị của các khoản đầu tư mà chính sách này có hiệu lực từ 5 đến 20 năm.
Thực tế, các chính sách hiện tại của Việt Nam dành cho xe điện mới chỉ tập trung cho thúc đẩy tiêu dùng đối với xe điện. Cụ thể, từ tháng 1/3/2022, lệ phí trước bạ cho xe điện sẽ được giảm xuống 0% trong 3 năm. Chính sách này không làm giảm giá xe nhưng giảm chi phí lăn bánh mà người mua xe phải "gánh".
Ngoài ra, cũng từ 1/3, thuê tiêu thụ đặc biệt dành cho xe con sẽ được giảm xuống còn 3% trong 5 năm. Trong 2 năm tiếp theo, thuế tiêu thục đặc biệt tăng lên 11% trong khi mức hiện tại là 15%.
Trong khi đó, việc sản xuất xe điện trong nước hiện chủ yếu ghi nhận nỗ lực của VinFast. Cuối năm 2021, công ty này tuyên bố từ bỏ xe xăng để tập trung hoàn toàn vào việc sản xuất xe điện. VinFast sở hữu tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô quy mô 335 ha với công suất ước tính 250.000 xe/năm.
Xe điện VF e34 của VinFast
Công ty này đã bán ra tại Việt Nam mẫu SUV chạy điện VF e34 từ tháng 12/2021 với giá niêm yết 690 triệu đồng, đồng thời nhận đặt trước 2 mẫu xe khác là VF8 và VF9 với giá 1,057 tỷ và 1,443 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tham vọng lớn của VinFast là mở rộng hoạt động kinh doanh tại các thị trường quốc tế với động thái mở bán bộ đôi VF8, VF9 đồng loạt tại Bắc Mỹ, châu Âu. Dự kiến cuối năm 2022, VinFast sẽ bàn giao 2 mẫu xe này cho khách hàng tại các thị trường này.