Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế toàn cầu đang trên đà suy giảm và càng diễn biến xấu hơn dưới tác động của việc leo thang chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực từ sự suy giảm chung đó nên khó đạt tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay. Năm tháng đầu năm, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 1,5% trong khi những năm trước đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này bình quân trên 20%.
Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, sức cầu yếu của thị trường nội địa Trung Quốc dẫn tới nhập khẩu từ Việt Nam giảm về giá trị tuyệt đối. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm làm tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng không cao. Dự báo trong năm nay, xuất khẩu không tăng mạnh được như năm 2017-2018.
Kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của kinh tế thế giới Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2019 đã giảm 5,8% so với cùng kỳ, trong đó điện thoại di động giảm 62,3% và thủy sản giảm 31,5%. Bên cạnh đó, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cũng gây bất lợi cho nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Mặt khác, hàng Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sang các thị trường xung quanh, trong đó có Việt Nam; đồng nhân dân tệ mất giá gây sức ép cho hàng xuất khẩu. Chưa kể đến việc vốn FDI có thể tràn sang Việt Nam tạo ra sức ép với vấn đề quy hoạch ngành, tiêu chuẩn công nghệ và môi trường.
Kỳ vọng thu hút các tập đoàn đa quốc gia
Đưa ra nhận định Mỹ - Trung khó có thể đàm phán vào cuối tháng 6-2019, các chuyên gia kinh tế dự đoán về trung hạn, xu hướng dịch chuyển của FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tăng mạnh. Về lâu dài, Việt Nam có thể là điểm đến đầu tư tin cậy. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright, cho biết Việt Nam kỳ vọng đầu tư từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, càng kỳ vọng hơn vào việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia.