Được đề cập từ giữa tháng, nhưng đến những ngày cuối tháng 8 này vấn đề đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước ( GDP ) vẫn còn nhiều điểm và dữ liệu mới được cập nhật.
Một con số được chú ý: theo kết quả rà soát của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010 - 2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã công bố.
Tổng cục Thống kê cũng nêu loạt chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan đến chỉ tiêu GDP cũng thay đổi từ việc đánh giá lại nói trên.
Điểm lại các thông tin công bố chính thức vừa qua, tuyệt nhiên tỷ lệ tín dụng so với GDP không thấy được đề cập đến trong các phân tích, dẫn giải của các cơ quan chuyên môn. Trong khi đó, đây là một chỉ tiêu nóng của Việt Nam những năm gần đây, có liên quan chặt chẽ đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Trong những năm 2017 và 2018, một loạt tổ chức quốc tế cùng quan điểm và đưa ra cảnh báo: Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng tín dụng nhanh và tiềm ẩn rủi ro.
Trong năm 2018, tại một số diễn đàn, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng Việt Nam sẽ được kiểm soát chặt chẽ vì đã đến giới hạn, khi mà tỷ lệ tín dụng so với GDP đã vượt trên mức 130%.
Tại họp báo chuyên đề đầu năm nay, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, một trong những điểm mà các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế vào Việt Nam để rà soát và đánh giá hạng mức tín nhiệm quốc gia là tỷ lệ tín dụng so với GDP, và họ băn khoăn khi thấy mức quá cao…
Tỷ lệ đó quá cao cũng là một trong những giới hạn mà Ngân hàng Nhà nước cân nhắc khi xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, hoặc từng giai đoạn. Thực tiễn năm 2017, 2018 và 2019, chỉ tiêu này được kiểm soát chặt hơn và thấp hơn các giai đoạn trước, dù một số thời điểm có đề nghị từ Chính phủ xem xét nâng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nay, với kết quả đánh giá lại quy mô GDP nói trên, tỷ lệ đòn bẩy tín dụng của Việt Nam bỗng nhiên sẽ trở nên dễ chịu hơn(?).
Cụ thể, tính toán tham khảo và mang tính tương đối cho thấy, quy mô GDP năm 2017 vào khoảng 5.007,9 nghìn tỷ đồng, nếu tăng thêm 25,4% theo đánh giá lại với mức độ mà Tổng cục Thống kê đưa ra thì “quy mô mới” của 2017 là 6.279,9 nghìn tỷ đồng.
Năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 7,08%, quy mô nếu tính theo nền của 2017 sau khi đánh giá lại nói trên là 6.724,5 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, quy mô đó chỉ để tham khảo, do cơ cấu GDP năm 2018 cũng đã thay đổi khi đánh giá lại và mức độ tăng trưởng 7,08% nói trên cũng chỉ tương đối. Điều này cũng dẫn đến thay đổi khi đánh giá quy mô đến nửa đầu năm 2019.
Còn theo một số tính toán mang tính tham khảo đề cập gần đây, quy mô GDP của Việt Nam đến nay đã vượt mức 300 tỷ USD theo việc đánh giá lại đó.
Nếu lấy mốc 300 tỷ USD này, quy đổi theo tỷ giá trung tâm, tính toán theo tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế đến tháng 6/2019 là 7.742,083 nghìn tỷ đồng, thì tỷ lệ đòn bẩy tín dụng so với GDP đã tụt hẳn xuống chỉ còn hơn 110% chứ không nóng như vượt mức 130% đề cập ở trên.
Điểm được chú ý hơn, trong tình huống trên, sau khi đánh giá lại GDP với tham số lớn hơn và tỷ lệ đòn bẩy tín dụng tụt hẳn xuống thì tăng trưởng tín dụng tới đây có được nới tay hay không? Và nữa, các tổ chức quốc tế có ghi nhận sự “hạ nhiệt” mức độ đòn bẩy đó không?
Tất nhiên, tham chiếu với GDP chỉ là một chỉ tiêu. Tăng trưởng tín dụng tới đây còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như trong cân đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát, và đặc biệt là phải gắn sát sườn với sức nâng của các ngân hàng thương mại.
Sức nâng đó cụ thể như cân đối với tỷ lệ an toàn vốn (CAR), giới hạn tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR)… Các cân đối này của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện đã ở vùng áp lực - nói chung, nhất là ở nhóm ngân hàng thương mại có sở hữu Nhà nước lớn chưa tăng được vốn, cũng như phía trước yêu cầu thực hiện Basel II theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước đã gần kề (từ 01/01/2020).