Đây là ý kiến của các chuyên gia thế giới tại hội nghị Triển vọng cơ sở hạ tầng lần thứ 2 với chủ đề “Tái định hình ngành xây dựng”, diễn ra tại TPHCM chiều 22/11.
Đề cập đến tác động của nền kinh tế toàn cầu đến Việt Nam, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, năm 2019 không phải là năm đẹp cho nền kinh tế thế giới. “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm cho kinh tế thế giới phát triển chậm lại, chính sách tiền tệ thắt chặt. Mặc dù hiệp định thương mại Mỹ - Trung có thể sắp được ký, nhưng chặng đường trong năm 2020 vẫn chưa hẳn sẽ sáng sủa” – ông Nirukt Sapru nhìn nhận.
Ông Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ tại hội nghị
Cũng theo ông Nirukt Sapru, Việt Nam không hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến thương mại trên, dù xuất khẩu sang Mỹ tăng thêm 5% GDP. Tuy nhiên Việt Nam không thắng tuyệt đối, bởi xuất khẩu sang Mỹ tăng thì sẽ kép theo xuất khẩu sang những nước khác giảm xuống.
“Tình trạng hàng Trung Quốc trốn thuế sang Việt Nam đã xảy ra. Việt Nam cần sẵn sàng cho những tác động kinh tế. Dẫu vậy, điểm sáng là Việt Nam vẫn đang là nước hiếm hoi có sự phát triển kinh tế trên thế giới” – ông Nirukt Sapru nói.
Trong khi đó, ông Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Ngo Viet Architects & Planners cho rằng, đô thị thông minh không phải là “cây đũa thần” để phát triển đô thị. “Đô thị thông minh là đô thị sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và mạng lưới thiết bị kết nối qua Internet (IoT) để làm nền tảng xây dựng đô thị đáng sống, với quy hoạch và phát triển bền vững, quản lý đô thị hiệu quả và minh bạch, với tính cạnh tranh đô thị cao về mọi mặt” – ông Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.
Phát triển cơ sở hạ tầng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển đô thị. Tromg đó, tác động của lĩnh vực công rất quan trọng. Tuy nhiên chính quyền không nên ôm hết mà nên mở cửa công – tư để hợp tác.
Cũng liên quan đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyên gia Nirukt Sapru đánh giá Việt Nam đang có cơ hội tuyệt vời để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trong tương lai, Việt Nam cần 605 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực này. “Thách thức của Việt Nam trong việc kêu gọi tài trợ dự án là phải vượt qua những khuôn khổ thông thường của cho vay tài chính, cần có chính sách rõ ràng và nhất quán, tạo môi trường đầu tư thuận lợi với sự hỗ trợ của chính phủ” - ông Nirukt Sapru đề xuất.
Theo các chuyên gia, xây dựng được xem là ngành công nghiệp trọng điểm ở phần lớn các quốc gia trên thế giới, và là ngành tăng trưởng rất mạnh mẽ, đặc biệt ở khu vực Châu Á. Mỗi năm thế giới dành đến 10.000 tỷ USD cho các công trình nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng đô thị, những nhân tố đóng góp vai trò then chốt như xương sống cho nền kinh tế toán cầu.
Tuy nhiên, trong khi các ngành khác đạt được những thay đổi rõ rệt trong vài thập lỷ qua như cải tiến quy trình, đổi mới sản phẩm thì hiệu suất ngành xây dựng nhìn chung cải thiện không đáng kể. Điều này không chỉ báo hiệu sự lãng phí các tiềm năng mà còn góp phần gia tăng gánh nặng chi phí cho nền kinh tế toàn cầu.
“Ngành xây dựng xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi giá trị, hiện có tiềm năng rất lớn trong việc cải thiện năng suất cũng như hiệu suất nhờ quá trình số hóa, và những kỹ thật xây dựng hoàn toàn mới. Đây chính là lý do để các quan chức chính phủ, chuyên gia xây dựng đầu ngành và những nhà lãnh đạo kinh tế cùng đưa ra giải pháp để định hình tương lai đất nước” - ông Philippe Richart, thành viên Ban giám đốc tập đoàn SCCC và Tổng giám đốc INSEE Vietnam chia sẻ.