Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có công suất điện Mặt Trời được lắp đặt số một ở Đông Nam Á, tăng từ 86 MW vào năm 2018 lên 16.500 MW được sản xuất vào năm 2020, nằm trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng Mặt Trời cao nhất trên toàn cầu.
Sự phát triển bùng nổ của điện mặt trời đã và đang góp phần bổ sung nguồn điện quan trọng, đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, do tính chất bất định và phát triển nhanh trong một thời gian ngắn, điện mặt trời đã gây những khó khăn nhất định trong công tác vận hành hệ thống điện.
Điện mặt trời tạo ra năng lượng sạch, có thể tái tạo và bền vững song quá trình sản xuất các thiết bị cho hệ thống điện mặt trời lại tiềm ẩn nguy hại cho môi trường, đồng thời phát thải khí nhà kính, sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chất thải nhựa và các vật liệu độc hại khác.
Đề có thể phát triển ngành điện hợp lý giữa điện than, điện mặt trời, điện gió và phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn của các hệ thống điện tái tạo, theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng và ban hành hai luật quan trọng là Luật Năng lượng và Luật Năng lượng tái tạo.
Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT)
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu phát triển Lưới điện thông minh để đảm bảo độ tin cậy và an ninh của nguồn cung năng lượng quốc gia và giúp đạt được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.
Bà Vũ Chi Mai chia sẻ về việc phát triển lưới điện thông minh
Bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo (GIZ) cho biết hạ tầng lưới ở Việt Nam chưa phát triển nhanh, dẫn đến hạn chế khiến các tổ chức không thể phát triển tối đa kinh tế năng lượng tái tạo. Chúng ta cần có những dự án lưới điện thông minh nhằm phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng cân bằng, hiện đại so với các quốc gia khác trong ASEAN.
Ông Dương Mạnh Cường, cán bộ Cao cấp dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE), cho biết hệ thống lưới điện thông minh có phương thức trao đổi hai chiều, cho phép trao đổi điện và thông tin theo cả hai hướng giữa các công ty điện lực và người tiêu dùng, có thể tích hợp trên quy mô lớn. Từ đó việc phát triển các dạng năng lượng tái tạo trở nên hiệu quả, an toàn và bền vững.
"Từ sau 2022, lưới điện thông minh của Việt Nam dự kiến sẽ ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để mang lại hiệu quả năng lượng, giúp Việt Nam tiến tới các mục tiêu trên" - ông Cường chia sẻ thêm.
Sau 5 năm thực hiện dự án lưới điện thông minh, thành tựu tiêu biểu đạt được bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao và phát triển năng lực, hợp tác công nghệ trong và ngoài nước. Trong đó nổi bật là việc thúc đẩy điều chỉnh phụ tải điện bằng cách thiết kế, nghiên cứu biểu giá CPP - tăng giá theo giờ, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
Các chuyên gia GIZ đề xuất bộ tiêu chí để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương tham khảo để xây dựng một bộ chỉ số lưới điện thông minh và áp dụng cho các tổng công ty điện lực.
Điện than khó tiếp cận nguồn vốn
Bà Vũ Chi Mai cho rằng: “Trước giờ Việt Nam chủ yếu tập trung ổn định năng lượng than, yêu cầu đặt ra là cần đảm bảo nguyên liệu đầu vào như thế nào để có sự ổn định. Chúng ta quen với việc dùng năng lượng dự trữ nhưng tính chất của dự trữ là sẽ hết khi sử dụng cạn kiệt nhưng khi dịch chuyển sang năng lượng tái tạo thì hình thành được vòng tuần hoàn”.
“Từ trước tới nay, Việt Nam chủ yếu tập trung ổn định năng lượng than. Tuy nhiên, việc dừng các dự án điện than mới đã đặt ra yêu cầu đảm bảo nguyên liệu đầu vào như thế nào để có sự ổn định.” - bà Mai cho biết thêm.
Ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ về sự chuyển dịch năng lượng bền vững
Ông Nguyễn Anh Dũng - cán bộ cao cấp Dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng cho biết, thuế carbon sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp.
“Đặc biệt là cam kết của 47% các công ty bảo hiểm trên thế giới sẽ không cấp tái bảo hiểm cho nhiệt điện than. Khi không có bảo hiểm sẽ không có nguồn vốn, buộc các công ty phải thay đổi nguồn năng lượng” - ông Dũng nhận định.
Cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở COP26 trở thành động lực và quyết tâm thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng chuyển dịch năng lượng bền vững theo hướng tổng hòa các chính sách gia tăng tỉ lệ nội địa hóa.
"Hiện nay, giá năng lượng tái tạo đã rẻ và có sự cạnh tranh hơn nhiều so với trước. Các quốc gia đang phát triển cần tìm ra những con đường đi riêng cho mình", ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.