Chiều ngày 28/5/2024, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi Số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) đã chính thức được khai mạc với chủ đề: "Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh, phát triển Kinh tế Số."
Đây là sự kiện thường niên quy mô quốc gia và quốc tế do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp "song sinh" luôn đi cùng, hỗ trợ nhau. Theo đó, muốn chuyển đổi xanh phải dùng chuyển đổi số, đồng thời muốn chuyển đổi số thì cũng phải dùng chuyển đổi xanh để hỗ trợ.
"Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là 2 chuyển đổi quan trọng bậc nhất của nửa đầu thế kỷ 21. Hai chuyển đổi này sẽ căn bản thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta", Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Hùng cũng chia sẻ về sự quan trọng của chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia, ông nhấn mạnh: "Hai chuyển đổi này cũng sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược và là động lực chính tăng trưởng kinh tế".
Người đứng đầu ngành TT&TT chỉ rõ sự cấp thiết phải chuyển đổi số, phát triển kinh tế và sử dụng các công nghệ xanh số để ứng dụng trong mọi lĩnh vực. Quốc gia nào chuyển đổi số nhanh hơn, quốc gia đó sẽ giàu hơn.
"Chuyển đổi xanh là để không làm cạn kiệt tài nguyên mà để bảo vệ chính môi trường chúng ta đang sinh sống", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh: "Muốn phát triển nhanh thì chuyển đổi số, muốn bền vững thì chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều cần đến công nghệ số mà cốt lõi chính là chip bán dẫn. Việt Nam phải tận dụng cơ hội này để "hoá rồng" và trở thành nước thu nhập cao.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhưng ở nhóm giữa thì Việt Nam sẽ không thay đổi được thứ hạng quốc gia. Bởi một cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ chỉ tưởng thưởng cho những người đi đầu, những quốc gia tiên phong".
Chia sẻ tại Diễn đàn, Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Vinasa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết, hiện là giai đoạn chứng kiến sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu Chuyển đổi Số tại cả Việt Nam và châu Á.
"Cả thế giới đang bước sang giai đoạn phát triển thông minh hoá với hai xu thế Chuyển đổi Số, Chuyển đổi xanh vừa là động lực, là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn", ông Bình nói.
Theo Chủ tịch Tập đoàn FPT, để khai thác tiềm năng Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả Kinh tế Số và Kinh tế xanh thì Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, xe điện thông minh trong Chuyển đổi Số, Công nghệ xanh. Đồng thời, Việt Nam cũng cần cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trong điểm này để phát triển đồng bộ.
Trong Diễn Cấp cao Chuyển đổi Số Việt Nam - châu Á 2024, AI cũng là một chủ đề được quan tâm và thảo luận nhiều nhất.
Tham luận tại Diễn đàn, ông Lê Hồng Quang – Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA khẳng định, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao năng suất lao động vượt trội.
Lấy ví dụ thực tế, ông Quang cho biết, AI có thể viết email nhanh hơn 36 lần, thiết kế ảnh thời trang nhanh hơn 24 lần và lập trình giao diện website nhanh hơn 10 lần so với con người. Những con số ấn tượng này cho thấy tiềm năng của AI, khẳng định đây chính là giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa thời gian, quy trình làm việc và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Theo Chỉ số Sẵn sàng AI (AI Readiness Index) của Cisco năm 2023, chỉ 27% tổ chức tại Việt Nam sẵn sàng triển khai công nghệ AI. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ tự tin ứng dụng AI toàn diện và hoạt động sản xuất – kinh doanh. Ngay tại MISA, công tay này cũng tích hợp AI vào nền tảng quản trị doanh nghiệp MISA AMIS để giải quyết bài toán nội tại và đã chứng minh tính hiệu quả vượt trội của AI.
Ngoài ra, MISA AVA cung cấp dữ liệu điều hành tức thì, cho phép lãnh đạo doanh nghiệp nắm bắt thông tin tài chính, kinh doanh và nhân sự một cách nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra, trợ lý AI này tự động hóa các quy trình công việc giúp tiết kiệm 70% thời gian và giảm thiểu sai sót.
Đặc biệt, việc ứng dụng AI cũng giúp hỗ trợ phân tích và dự báo, giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định chiến lược dựa trên dữ liệu, từ đó nâng cao hiệu quả vận hành và tăng cường khả năng cạnh tranh. Thông qua hiệu quả mà AI mang lại, MISA kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng công nghệ này để quản trị vận hành hiệu quả dựa trên dữ liệu.
"Sứ mệnh của MISA và các doanh nghiệp phần mềm thành viên Vinasa là nỗ lực tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tích hợp AI. Điều này không chỉ giúp gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận AI một cách thực chất mà còn nâng cao hiệu quả vận hành và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Sự quyết tâm này thể hiện tinh thần tiên phong và trách nhiệm xã hội sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số đất nước", ông Lê Hồng Quang khẳng định.
Là một doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi AI trong hệ sinh thái của mình, MISA sẵn sàng nhận nhiệm vụ từ Chính phủ trong việc ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như kê khai thuế hộ kinh doanh và thuế thu nhập cá nhân.
Ông Lê Hồng Quang khẳng định rằng, với sự hỗ trợ từ Chính phủ, MISA và các doanh nghiệp phần mềm khác hoàn toàn có khả năng thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước bền vững.
AI đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và hiệu quả vận hành, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Với lợi thế 30 năm tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, MISA cam kết kiên định với sứ mệnh phụng sự xã hội, phát triển các sản phẩm tích hợp AI toàn diện để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số. MISA sẽ tiếp tục nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ trong việc phát triển kinh tế số nói riêng và thúc đẩy sự thịnh vượng chung của đất nước.