Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu sắt thép trong tháng 8 ước đạt 1,6 triệu tấn và trị giá 828 triệu USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 10,4% về trị giá so với tháng 7/2020.
Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm, sản lượng sắt thép nhập khẩu đạt 9,73 triệu tấn với kim ngạch đạt 5,6 tỷ USD. Lượng nhập khẩu nhóm hàng này tăng 1,2% nhưng giảm 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng cục Hải quan thống kê, phần lớn thị trường về nhập khẩu sắt thép của Việt Nam đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc châu Á. Hết tháng 7, trong số 7 quốc gia, vùng lãnh thổ có sản lượng nhập khẩu từ 100.000 tấn trở lên, có đến 6 thị trường trong khu vực châu Á.
Sản lượng nhập khẩu sắt thép từ các thị trường lớn cập nhật hết tháng 7. Biểu đồ: T.Bình.
Trong đó, 3 thị trường lớn nhất với sản lượng trên 1 triệu tấn bao gồm: Trung Quốc đại lục đạt gần 2,5 triệu tấn, kim ngạch hơn 845 triệu USD; Ấn Độ 1,56 triệu tấn, kim ngạch gần 677 triệu USD và Nhật Bản với trên 1,4 triệu tấn, kim ngạch 811,6 triệu USD.
Ngoài ra còn có các thị trường lớn khác như: Đài Loan (Trung Quốc) với hơn 995.000 tấn, kim ngạch 525,4 triệu USD; Hàn Quốc 990.000 tấn, với gần 715 triệu USD; Indonesia hơn 147.000 tấn, kim ngạch 2020 triệu USD. Đặc biệt, thị trường nhập khẩu lớn không nằm trong khu vực châu Á là Liên bang Nga đạt gần 266.000 tấn, kim ngạch 110,8 triệu USD.
Năm 2019, cả nước nhập khẩu thép đạt 14,5 triệu tấn với trị giá 9,5 tỷ USD, tăng 7,6% về lượng nhưng giảm 4% về trị giá so với năm 2018. Giá nhập khẩu trung bình ở mức 653 USD/tấn, giảm 10,7% so với năm 2018.
Trung Quốc vẫn luôn là thị trường lớn nhất cung cấp sắt thép các loại cho Việt Nam, đạt mức 5 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 35% tổng lượng nhập khẩu thép của cả nước. Theo sau đó là Ấn Độ với 2,2 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 15%, tương đương 1 tỷ USD, tăng mạnh 264% về lượng và 180% về trị giá so với năm 2018. Thị trường cung cấp sắt thép lớn thứ 3 cho Việt Nam là Nhật Bản, với số lượng 2 triệu tấn, xấp xỉ khoảng 1,3 tỷ USD.