Ảnh: Nguyễn Hà. Đồ họa: Hương Xuân.
Trao đổi với đông đảo phóng viên trong và ngoài nước tại Trung tâm Báo chí Quốc tế, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung xác nhận, từ 27-28/2, hai lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ có Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội.
"Chúng ta đều nhất trí đây là sự kiện quốc tế quan trọng và được quan tâm hàng đầu của khu vực và quốc tế", ông Trung nhấn mạnh.
Ở thời điểm hiện tại, quá trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên được bắt đầu và có dấu hiệu tích cực kể từ Hội nghị Thượng đỉnh lần 1. Dù cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, đặt ra nhiều mong đợi vào cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nhưng quyết định về nội dung là do 2 quốc gia và 2 nhà lãnh đạo Mỹ Triều đưa ra.
Khi Việt Nam và thành phố Hà Nội được chọn để tổ chức tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, đây là vinh dự lớn và Việt Nam rất vui mừng đón nhận, sẵn sàng đảm nhận. Trong vai trò của nước chủ nhà, Việt Nam chủ yếu làm các công việc liên quan đến đảm bảo an ninh, hậu cần tổ chức, lễ tân và các mặt khác để tạo không khí thuận lợi nhất cho hội nghị.
Ảnh: Nguyễn Hà.
"Như chúng tôi đã khẳng định, nội dung và kết quả hội nghị được quyết định bởi hai quốc gia và 2 nhà lãnh đạo. Việt Nam chỉ cung cấp hậu cần và tạo điều kiện tốt nhất để tiến hành hội nghị. Việt Nam, Nhân dân Việt Nam, Lãnh đạo Việt Nam và Hà Nội mong muốn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh sẽ tiếp tục thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình của nước ta, giúp Việt Nam có những đóng góp tích cực và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", ông Trung nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 không chỉ tăng cường vai trò của Việt Nam mà còn nâng cao vai trò của cộng đồng ASEAN trong các vấn đề quốc tế. Qua dịp này, Việt Nam cũng muốn giới thiệu những thành tựu trong quá trình đổi mới toàn diện cũng như giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, thành phố hơn 1.000 năm văn hiến.
Tuy nhiên, trong vai trò chủ nhà, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Một trong số đó là thời gian chuẩn bị vô cùng ngắn. Những thông tin đầu tiên liên quan đến việc Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở Việt Nam là ngày 6/2. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có thể bắt đầu chuẩn bị đầy đủ nhất vào khoảng 14-15/2, khi đã có những thông tin chính xác nhất.
"Tính tới thời điểm hiện tại, chúng tôi chỉ có 10 ngày chuẩn bị hội nghị. Ở Singapore năm ngoái, nước chủ nhà tới tới gần 2 tháng để đảm bảo mọi công tác cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều", ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Công tác chuẩn bị của Việt Nam chủ yếu liên quan tới đảm bảo an ninh cơ sở vật chất, hạ tầng, khách sạn, thông tin truyền thông và nhiều công việc khác. Do tầm đặc biệt của sự kiện, lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Hà Nội, đều rất quan tâm đến công tác chuẩn bị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc làm việc với địa phương để chỉ đạo. Lãnh đạo Hà Nội và nhiều địa phương cũng rất tích cực giám sát, đôn đốc công tác chuẩn bị cho sự kiện.
Tất cả các vấn đề, từ An ninh tới Y tế và Truyền thông đều đã sẵn sàng cho cuộc gặp. Dư luận quốc tế cũng đánh giá cao Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà, không chỉ bởi công tác tổ chức mà còn những thành tựu về kinh tế, phát triển xã hội và hội nhập nhiều năm qua.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cũng cho biết lần đầu sau 55 năm, nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên sẽ thăm chính thức Việt Nam. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam khi tới Hà Nội.