Bộ NN&PTNT cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã chi 1,43 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng rau quả, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, số tiền để nhập khẩu mặt hàng rau ước đạt gần 380 triệu USD, tăng 36,5% và trên 980 triệu USD để nhập khẩu các loại trái cây , tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan (chiếm 43,3% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 23,1%).
Cũng theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, trừ Thái Lan, giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017, trong đó Hòa Kỳ tăng mạnh nhất với trên 86%, tiếp đó là Hàn Quốc trên 82% và Chile trên 73%.
Đáng lưu ý, dù là thị trường cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt Nam, nhưng tính chung 9 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu từ Thái Lan lại giảm (trên 17,4%), cùng đó là thị trường Myanmar (giảm 7,7%).
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), số lượng trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu tái xuất sang Trung Quốc, trong đó phần lớn là sầu riêng, măng cụt, nhãn…Với thuế nhập khẩu 0% từ các nước ASEAN, trái cây Thái Lan tạm nhập vào Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc giá ngày càng tăng mạnh.
Về xuất khẩu, trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu rau quả ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc là thị trừng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu rau quả sang thị trừng này đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 74% thị phần.
Một số thị trường khác có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Thái Lan (tăng 35%), Úc (tăng 31,6%), Hoa Kỳ (tăng 30,8%) và Hàn Quốc (tăng 24,2%).
Về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, chủ yếu là rau quả thô hoặc sơ chế với tỷ trọng lên trên 90%, các loại rau quả đã qua chế biến khoảng 10%.