Sáng nay 8-12, tại Quảng Nam, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ ngành trung ương, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) đã khánh thành nhà máy nhà máy Bus Thaco lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco) cho hay từ năm 2005, Thaco đã nghiên cứu và sản xuất lắp ráp xe buýt nhằm đúc kết kinh nghiệm và nghiên cứu công nghệ sản xuất xe buýt cho riêng mình.
Tiếp đó, tháng 6-2011, Thaco khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chuyên biệt sản xuất xe buýt.
Đây là nhà máy sản xuất xe buýt đầu tiên tại Việt Nam mà trang thiết bị do đội ngũ kỹ sư Thaco thiết kế có tỉ lệ nội địa hóa trang thiết bị nhà máy đến 80%.
"Chúng tôi liên tục đầu tư, cải tiến công nghệ và nâng cao công suất từ 3.000 lên 5.000 xe/năm" - ông Dương cho hay.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy xe buýt Thaco và ký kết xuất khẩu xe ô tô. Ảnh: LÊ PHI
Từ việc sử dụng khung gầm nhãn hiệu Hyundai, đến năm 2013, Thaco đã tự thiết kế và sản xuất nội địa hóa khung gầm nhãn hiệu Thaco và nâng tỉ lệ nội địa hóa toàn bộ xe lên đến 50%.
Đến nay, Thaco trở thành nhà sản xuất xe buýt hàng đầu với sản phẩm được tin dùng nhất Việt Nam đã bán ra thị trường hơn 14.000 xe buýt với đầy đủ các phân khúc sản phẩm, chiếm 54% thị phần. Đặc biệt, xe khách giường nằm Thaco Mobihome dẫn đầu thị trường với 86% thị phần.
Ông Dương cho biết từ năm 2016, Thaco đã xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng mới các nhà máy sản suất lắp ráp ô tô và tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự động hóa và đạt tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% nhằm đảm bảo vị trí đứng đầu tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu sang các nước Asean.
Nhà máy buýt Thaco lớn nhất Đông Nam Á chính thức được khánh thành. Ảnh: LÊ PHI
“Nhà máy Buýt Thaco được khởi công xây dựng vào tháng 9-2016, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng; công suất thiết kế 20.000 xe/năm (bao gồm: 8.000 xe buýt và 12.000 xe mini-buýt)” - ông Dương chia sẻ.
Theo đó nhà máy này được đầu tư với các dây chuyền sản xuất hiện đại và bán tự động. Dây chuyền sơn tĩnh điện của nhà máy là dây chuyền duy nhất tại Đông Nam Á và là một trong 22 dây chuyền đang có trên thế giới.
Cũng trong buổi lễ, Thaco đã tổ chức ký kết các thỏa thuận thương mại xuất khẩu bước đầu sang: Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Campuchia với tổng doanh số 1.150 xe và trong năm 2018 ít nhất là 550 xe.
1.150 xe ô tô của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được xuất khẩu sang Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Campuchia. Ảnh: LÊ PHI.
“Sự kiện xuất khẩu mà chúng tôi ký kết hôm nay minh chứng về thành quả của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Mặc dù thị trường trong nước còn nhỏ, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ. Mặt khác, nếu với tỉ lệ nội địa hóa cao và doanh số xuất khẩu khá thì chúng ta sẽ tự chống được nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại trong ngành sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam” - ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco) nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cho rằng từ một địa phương phải đi xin ngân sách hằng năm, giờ Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp cho trung ương. Đời sống người dân được cải thiện. Những kết quả nêu trên có sự đóng góp của các khu công nghiệp trong đó có khu phức hợp của Thaco.
"Với tỉ lệ nội địa hóa cao, Thaco chinh phục được người tiêu dùng trong nước và ở cả các nước. Hôm nay chúng ta đã chứng kiến sự kiện trọng đại ký kết xuất khẩu ô tô của Việt Nam" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành ô tô Việt Nam phải xây dựng được thương hiệu, có chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các hãng xe của các nước.