Là ổ dịch lớn thứ hai ở bên ngoài Trung Quốc, vào sáng 8/3, Hàn Quốc đã công bố gói kích thích 11.700 tỷ KRW (tương đương 9,8 tỷ USD) để bảo vệ nền kinh tế, ngăn chặn dịch viêm phổi này ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và làm suy yếu chi tiêu. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết gói ngân sách bổ sung 11.700 tỷ KRW, dự kiến trình Quốc hội thông qua, sẽ dùng để hỗ trợ hệ thống y tế, chăm sóc trẻ em và hỗ trợ thị trường hàng ngoài trời (outdoor markets).
Bộ trưởng Hong Nam-ki nói: "3.200 tỷ KRW sẽ bù đắp thâm hụt doanh thu và 8.500 tỷ KRW sẽ bổ sung bơm vào nền kinh tế. Nền kinh tế đang ở tình trạng báo động. Chúng tôi sẽ ưu tiên các chính sách giảm thiểu thiệt hại kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và lao động tự do".
Bộ trưởng Hong Nam-Ki
Nhật Bản trong tuần tới cũng sẽ công bố các biện pháp giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế do dịch COVID-19 đợt 2. Trọng tậm là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng phó với tình trạng thiếu hụt tài chính bằng cách sử dụng 270 tỷ JPY (tương đương 2,5 tỷ USD) vốn dự phòng ngân sách quốc gia.
Sáng 2/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, theo đó 250.000 tỷ VND là tổng số vốn cam kết cho vay hỗ trợ và tùy từng ngân hàng sẽ có chính sách khác nhau.
"Tinh thần chung là phải giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các địa chỉ cụ thể để triển khai thực hiện ngay, không nói chung chung, không nói lòng vòng. Đặc biệt là tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết cho du lịch, thương mại, dịch vụ, hàng không, xuất nhập khẩu những ngành này chịu tác động rất lớn. Hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt hại do COVID-19 gây ra, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, không phải là bao cấp cho sự yếu kém.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ VND lãi suất thấp. Một gói hỗ trợ từ tài khóa như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỷ VND. Chúng ta chưa gọi đây là gói kích thích kinh tế. Tinh thần là có hiệu lực ngay để hỗ trợ đến doanh nghiệp và người dân. Cấm tư tưởng xin, cho, không minh bạch", Thủ tướng nói tại phiên họp Chính phủ thường kì tháng 2/2020 vào chiều 3/3.
Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ FED vừa hạ lãi suất mặc dù chưa tới phiên họp định kỳ ngày 17-18/3. Theo đó, FED hạ 0,5% lãi suất tham chiếu, về quanh mức 1 - 1,25%. Quyết định này được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán Mỹ có tuần lễ tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED giải thích về động thái này: "Các yếu tố nền tảng của kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh. Song, dịch bệnh đang đe dọa đến hoạt động kinh tế ngày càng nghiêm trọng. Trong bối cảnh các rủi ro hiện hữu, việc hạ lãi suất nhằm mục tiêu ổn định giá và tối đa hóa việc làm cho người dân".
Chủ tịch FED Jerome Powell
Chủ tịch FED Jerome Powell cũng nhận định: "Chúng tôi thừa nhận, cắt giảm lãi suất không giảm được tốc độ lây lan của dịch Covid-19, không thể giải quyết được chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Chúng tôi không cho rằng đã tìm ra mọi giải pháp, nhưng chúng tôi tin tưởng hành động cắt giảm lãi suất sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế.
Chúng tôi sẽ ủng hộ việc đưa ra các biện pháp tài chính thích ứng và tránh siết chặt tài chính. Cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đó là lý do các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang làm theo cách này".
Chính phủ Đức ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các công ty vừa và nhỏ và tránh sa thải hàng loạt nhân công, thông qua các công cụ thị trường lao động hiện có. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier khẳng định chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để dịch bệnh không ảnh hưởng tới tình hình kinh tế vĩ mô. Đức sẽ đảm bảo việc làm và sản xuất. Các đảng trong liên minh cầm quyền đang cân nhắc giảm thuế cho các công ty và có chính sách khyến khích khu vực tư nhân tăng đầu tư.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier
Các tổ chức tài chính quốc tế cũng có sự hỗ trợ. Hôm qua, Ngân hàng Thế giới WB công bố khoản hỗ trợ 12 tỷ USD để các nước ứng phó với tác động kinh tế và tác động đối với hệ thống y tế do dịch COVID-19 gây ra. Quỹ 12 tỷ USD này là vốn vay được xét duyệt nhanh, với lãi suất rất thấp để giúp các nước đang phát triển cải thiện dịch vụ y tế, đẩy mạnh giám sát dịch bệnh và tăng cường phối hợp với lĩnh vực tư nhân.
Theo Chủ tịch WB David Malpass, các nước không nên áp dụng những biện pháp làm hạn chế hơn nữa giao thương. WB cũng sẽ làm việc với các khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực chiến lược như thiết bị y tế, dược phẩm để duy trì chuỗi cung ứng và hạn chế các rủi ro.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass
Các nước nghèo với hệ thống y tế yếu kém rất là những người dễ bị tổn thương nhất. Nhưng qua những kinh nghiệm với dịch Ebola và các dịch bệnh khác, việc nhanh chóng áp dụng các biện pháp đúng đắn có thể giảm bớt tình trạng lây nhiễm và cứu sống được nhiều người.
Nhà hoạch định chính sách Francois Villeroy de Galhau
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ kinh tế của khối. Francois Villeroy de Galhau, nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết, chính sách tiền tệ của ECB đã mang tính thích ứng và giúp ổn định nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu. ECB sẽ cấp các khoản vốn vay lãi suất cực thấp cho các công ty. Các quan chức tài chính nhóm G7 cũng tuyên bố sẵn sàng áp dụng các biện pháp tài chính và tiền tệ phù hợp.