Việt Nam có cho phép Garb thâu tóm Uber? (Ảnh: IT)
Trao đổi với báo giới chiều ngày 3.4, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Thời hạn cuối cùng GrabTaxi phải gửi báo cáo vụ mua lại Uber cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đến. Tuy nhiên, do phía Grab xin lùi thời hạn nộp tài liệu vào ngày 6.4 và đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định đã đồng ý cho ra hạn nhưng sẽ theo sát diễn biến vụ việc. Theo đó, nếu cuối tuần này, phái Grab vẫn chưa có báo cáo thì các cơ quan chức năng sẽ tiến hành các bước điều tra theo đúng quy định của Luật cạnh tranh.
Trả lời báo chí, ông Trịnh Anh Tuấn -Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Bộ Công Thương đang tiếp tục làm văn bản nhắc nhở phía Grab nghiêm túc chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý Việt Nam.
Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ (chiều ngày 2.4), ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết mặc dù Grab và Uber thực hiện việc mua bán ở nước ngoài tuy nhiên do hoạt động tại Việt Nam nên vẫn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật sở tại.
Luật Cạnh tranh 2004 quy định, những trường hợp mua bán - sáp nhập (M&A) có ảnh hưởng đến mức độ cạnh của thị trường sẽ bị hạn chế.
Cụ thể, nếu thị phần sau khi Grab mua Uber trên 30% thì doanh nghiệp phải gửi báo cáo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán. Trường hợp thị phần sau sáp nhập trên 50% thì thương vụ sẽ thuộc diện bị hạn chế, trừ trường hợp miễn trừ mới được phép.
"Sau khi nhận được báo cáo của Grab, Bộ Công Thương sẽ có cơ sở đánh giá quá trình mua bán ở mức độ nào, có vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh hay không? Việc mua bán có được phép hay không. Trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho lái xe và người dùng Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng có quyền tiến hành điều tra độc lập, yêu cầu Grab hợp tác nếu xét thấy thương vụ trên có dấu hiệu độc quyền, vi phạm Luật Cạnh tranh.
Theo tin trên Reuters, Philippines và Malaysia hôm qua cho biết họ sẽ xem xét liệu công ty Uber Technologies có được phép bán bộ phận Đông Nam Á cho đối thủ Grab có vi phạm các quy định về cạnh tranh hay không. Trước đó, Singapore cũng đã bắt đầu cuộc điều tra tương tự đối với thoả thuận mua bán này. |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, có nhiều cái chúng ta đang còn lúng túng như định danh Grab, Uber tại Việt Nam vẫn chưa rõ ràng, là hãng taxi truyền thống hay chỉ là dịch vụ kết nối vận tải theo hợp đồng. Vì vậy, việc xem xét xác định thị phần và quy mô doanh thu của 2 công ty này vẫn chưa có cơ sở.
Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đã ban hành văn bản chỉ đạo các biện pháp tạm thời cho Uber và Grab, yêu cầu hai công ty này không được tiến hành các bước nhằm sáp nhập hoạt động kinh doanh tại Singapore trong thời gian cuộc điều tra diễn ra.
Điều nhiều người quan tâm là nguy cơ tăng giá sau khi Grab mua lại Uber có thể xảy ra khi Grab đã độc quyền lĩnh vực kinh doanh này nhưng cơ quan quản lý cũng có thể quy định mức tăng giá tối đa cũng chỉ bằng taxi truyền thống, chứ khó có thể tăng hơn nữa.
Ngày 25.3, Uber Technologies xác nhận bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đánh dấu sự rút lui thứ 2 tại châu Á. Đổi lại, họ sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab. Từ 8.4, toàn bộ khách hàng và tài xế dùng Uber sẽ chuyển qua ứng dụng của Grab.
Hiện không chỉ riêng Việt Nam, đồng loạt các nước khu vực Đông Nam Á đều yêu cầu Grab gửi báo cáo chi tiết vụ mua bán này.