Mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn ở Trung Quốc là quả dừa. Trung Quốc hiện là một trong những thị trường tiêu thụ dừa lớn nhất trên thế giới. Thị trường này mỗi năm cần tới khoảng 4 tỷ quả dừa tươi và dừa cho chế biến. Nhưng hàng nội địa ở Trung Quốc chỉ đáp ứng được khoảng 10% và số còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng nhập khẩu.
Đây là một cơ hội lớn cho dừa của Việt Nam. Trên thực tế, diện tích trồng dừa của nước ta là khoảng 195.000 ha, với sản lượng ước đạt trên 2 triệu tấn mỗi năm. Dừa tươi và sản phẩm chế biến từ dừa của nước ta đã và đang được xuất khẩu sang 15 quốc gia trên thế giới. Trong số đó, thị trường Mỹ chiếm tới 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dừa tươi.
Hơn nữa, việc nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch dừa tươi của Việt Nam sang Trung Quốc mới được ký kết sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng này. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, nếu làm tốt trong những tháng còn lại của năm 2024, xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc sẽ mang về khoảng 300 – 400 triệu USD. Con số này sẽ đóng góp lớn vào trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả Việt Nam.
Ngành dừa Việt Nam hiện đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dừa và sản phẩm của dừa của Việt Nam trong năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD.
Dù nghị định thư mới được ký kết mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Cụ thể, tại hội nghị triển khai Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu mặt hàng dừa tươi sang Trung Quốc vào sáng 6/9 vừa qua, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết muốn xuất khẩu sang Trung Quốc, tất cả các sản phẩm dừa tươi đều phải có mã số về vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã được phía hải quan của thị trường tỷ dân phê duyệt.
Bên cạnh đó, dừa tươi xuất khẩu chính ngạch cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy chuẩn như trong nghị định thư đã ký.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật lưu ý, khác với những mặt hàng nông sản khác, dừa tươi của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc. Thế nhưng, khi đến cửa khẩu, phía hải quan Trung Quốc sẽ tiến hành kiểm tra 100% lô hàng. Trong đó, họ có thể kiểm tra giấy tờ hoặc mở container hàng hóa đẻ kiểm tra dịch hại. Do đó, nếu vi phạm quá nhiều thì tỷ lệ mở container hàng để kiểm tra hàng sẽ tăng lên, hoặc ngược lạị.
Vì nghị định thư giữa hai nước đã quy định rất rõ về các dịch hại cũng như quy chuẩn an toàn thực phẩm, nên trong quá trình kiểm tra, nếu phía hải quan Trung Quốc phát hiện có cỏ, lá cây, sinh vật gây hại hoặc đất ở quả dừa thì cả lô hàng đó sẽ bị loại vì không đủ điều kiện xuất sang quốc gia này.
Ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết thêm, một số trường hợp vi phạm sẽ được cho phép khử trùng lại. Tuy nhiên, nếu vi phạm nghiêm trọng thì lô hàng sẽ bị từ chối nhập hoặc tiêu hủy luôn.
Chính vì vậy, theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, người dân, cơ sở đóng gói và doanh nghiệp xuất khẩu phải làm chuẩn chỉnh, vì vi phạm không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp và uy tín hàng Việt. Nếu vi phạm nhiều thì mức kiểm tra sẽ tăng lên và thậm chí là Trung Quốc ngừng nhập khẩu.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường quan trọng. Do đó, nếu làm tốt khâu xuất khẩu dừa thì sẽ đóng góp thêm vài trăm triệu USD vào kim ngạch ngành nông nghiệp của nước ta trong năm nay.
Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phải nắm bắt chính xác thông tin rồi truyền tải tới người trồng và cơ sở đóng gói. Ngoài ra, cần rà soát lại các vùng trồng và cơ sở đóng gói để xem đã đáp ứng đủ theo yêu cầu của nghị định thư hay chưa.
Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục làm việc với phía hải quan Trung Quốc nhằm điều chỉnh các kiến nghị mà các địa phương đã nêu. Chẳng hạn, một số tỉnh có mã số vùng trồng nhưng không có mã số cơ sở đóng gói.
Bên cạnh đó, phải kiểm tra kiểm soát kỹ các lô hàng xuất khẩu tại cửa khẩu. Cụ thể, khi phát hiện vi phạm thì lập tức tạm dừng lô hàng, tạm dừng luôn mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rồi tiến hành thông báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương.
Đặc biệt, Thứ trưởng mong muốn các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với vùng trồng, cố gắng hỗ trợ và liên kết với người trồng dừa nhằm tạo thành chuỗi sản xuất bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, sau khi ký nghị định thư, vào ngày 11 - 12/9 tới, đoàn công tác của Trung Quốc sẽ sang kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi của Việt Nam.
Tại Hội nghị triển khai Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu mặt hàng dừa tươi sang Trung Quốc, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, dừa là một trong 6 loại cây được Bộ NN&PTNN đưa vào Đề án và phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2030, diện tích dừa nước ta đạt khoảng 195.000 - 210.000ha. Vùng trồng dừa trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170.000 - 175.000ha, vùng Duyên Hải Nam Trung bộ diện tích 16.000 - 20.000ha, còn lại 9.000 -15.000ha được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ...